Tuyết không ngừng rơi cho đến tối hôm sau.
Hà Điền và Dịch Huyền trở về căn nhà nghỉ gần sông và thu hoạch thêm năm tấm da chồn nữa.
Sau khi ở lại một đêm và đặt bẫy lần nữa, họ lùa Gạo xuống núi, băng qua sông băng trở về nhà.
Cành cây khô và vỏ hạt dẻ rắc trên mặt băng khi họ đến đây giờ đã là một con đường đen xám có thể nhìn từ xa trên nền tuyết. Chúng đã được đóng băng chắc chắn. Dù có tuyết rơi nhưng cũng có gió, ngày hôm qua gió đã thổi bay rất nhiều tuyết, cuối cùng thì Gạo cũng đã có thể chạy trên con đường này.
Nó chạy càng lúc càng nhanh, Hà Điền vẫy tay với Dịch Huyền, đầu tiên nhảy lên xe trượt, sau đó kéo Dịch Huyền lên.
Khi tuần lộc dốc hết sức chạy trên một con đường bằng phẳng, tốc độ nhanh nhất có thể lên tới gần 50 km/h.
Tất nhiên, đây là những gì trong sách nói.
Hà Điền không biết lúc này Gạo chạy nhanh như thế nào, nhưng hẳn là rất nhanh.
Gió lạnh buốt thấu xương xộc thẳng vào mặt, mặc cho toàn thân che chắn kỹ càng, chỉ lộ ra một đôi mắt, nhưng vẫn cảm giác được cái lạnh phà thẳng vào mắt.
Bàn tay mang lồng tay* đang cầm dây cương, và những nếp gấp trên cánh tay phủ đầy bông tuyết do Gạo chạy làm văng lên.
*Đồ ủ tay.
Tuyết ở hai bên xe trượt nhanh chóng đóng băng lại, và rồi lại tan chảy khi xe trượt cọ xát với mặt đất, biến thành các gờ băng nhỏ chảy xuống, sau đó trên các gờ băng lại nhanh chóng tích tụ một lớp bông tuyết do Gạo làm bắn tung tóe.
Trở về nhanh hơn nhiều so với khi đi.
Sau khi dốc hết sức chạy trong khoảng ba mươi, bốn mươi phút, họ đã có thể nhìn thấy rõ khung cảnh quen thuộc xung quanh nhà.
Hà Điền kéo Gạo dừng lại gần lỗ băng rồi nhảy xuống xe trượt, mặc kệ tuyết trên người chưa được giũ bỏ, cô đi kiểm tra lỗ băng trước.
Cô dùng sức lắc mạnh cây gậy cắm trong lỗ băng, thì thầm: “Đừng đóng băng! Đừng đóng băng.”
Dịch Huyền đi tới: “Để tôi làm cho.”
Cô ấy nắm lấy cây gậy và từ từ xoay nó, lỗ băng phát ra tiếng kẽo kẹt.
Hà Điền cũng không nhàn rỗi, cô chạy đến một lỗ băng khác, cũng khuấy mạnh cây gậy.
May mắn thay, sau mười phút, băng trong hai lỗ băng đã nát ra.
Họ kéo lưới đánh cá lên, có bảy tám con cá trong đó.
Sau khi thả lưới đánh cá xuống, cả hai đều mệt và đói.
Nhưng bây giờ họ chỉ có thể ăn một ít lương khô để lót dạ.
Việc trước tiên nên làm là đưa Gạo về nhà, cho nó ăn chút gì đó, rồi xem xét tình trạng của căn nhà gỗ. Nếu cửa bị đóng băng, thì chỉ có thể nhóm lửa ở chỗ đất trống trước nhà, ấm hơn một chút, đợi cửa tan băng, vào nhà rồi mới tính đến những chuyện khác. Nếu có một trận bão tuyết bất ngờ xảy ra vào thời điểm này thì sẽ tiêu tùng mất.
Về nhà vừa nhìn, cũng may, bức tường tuyết bên ngoài căn nhà gỗ chống gió tuyết rất hiệu quả, lửa trong nhà tuy đã bị dập tắt nhưng cánh cửa vẫn không bị đóng băng, sau khi kéo chốt sắt lắc vài cái thì đã mở ra được.
Trong nhà không quá lạnh, vại nước không bị đóng băng, những viên gạch bên ngoài ống khói khi chạm vào vẫn còn thấy hơi ấm, chỉ có cửa sổ là bị kết một lớp sương giá.
Hà Điền và Dịch Huyền nhanh chóng hành động.
Dịch Huyền nhóm lại lửa, Hà Điền quét sạch tuyết trên hầm rau, nếu nắp hầm rau bị đóng băng thì thật là tệ, vẫn may, nó không bị đóng băng.
Cô trèo xuống hầm rau lấy một ít thức ăn, sau đó đậy nắp lại, chêm một cái nêm dưới nắp gỗ để cho hầm rau được thông thoáng.
Sau khi bếp lò cháy, Dịch Huyền nấu một nồi nước, đi ra ngoài giúp Hà Điền quét tuyết: “Cô đi nấu ăn đi. Để tôi làm cho.”
Cô ấy thấy mặt Hà Điền đỏ bừng vì lạnh, không khỏi mỉm cười đưa hai tay lên bóp hai má, làm cho cái miệng nhỏ nhắn của cô chu lên trông rất đáng yêu.
Dịch Huyền cười thành tiếng.
Hà Điền cũng cười, cô đưa chiếc cào gỗ trong tay cho Dịch Huyền: “Vậy thì tôi sẽ nấu một ít miến khoai tây.”
Trong nhà còn có một miếng thịt xông khói ăn dở, chính là đùi hoẵng. Bỏ những lát thịt vào trong nồi canh nóng hổi, rồi lại cho thêm vài cọng miến khoai tây, ăn vào sẽ rất ấm bụng.
Hà Điền đổ nước nóng sắp sôi vào chảo sắt, đặt chảo lên lửa tiếp tục đun, dùng lưỡi dao nhỏ cắt vài lát đùi hoẵng, ném vào chảo, nghĩ ngợi một chút rồi lại lấy từ chum rau muối ra một vài miếng cải thảo muối chua.
Năm nào đến cuối thu nhà của Hà Điền cũng đều sẽ muối cải. Tuy nhiên, vụ cải năm nay không được tốt cho lắm nên cô chỉ muối một chum cải mà thôi.
Khi muối cải, cho một lớp muối vào chum, sau đó trộn muối, đường và nhiều ớt băm lại với nhau, đảo đều để làm nước sốt.
Lấy một bẹ cải tươi, cắt đôi theo chiều dọc từ giữa, bẻ đôi lá, thoa đều nước sốt lên từng lớp giữa các lá, cho vào chum, cuối cùng ấn một viên đá lớn lên. Chum được đặt ở nơi thoáng mát tùy theo nhiệt độ, lâu nhất là một tuần hoặc ít nhất là ba bốn ngày là cải thảo đã chua.
Lúc này cải thảo sẽ tiết ra nhiều nước, mở chum ra, có thể thấy được màu xanh của cải thảo trong rất nhiều nước màu đỏ.
Chum cải muối chua phải được để trong nhà sau mùa đông, hoặc trong hầm, chỉ là lúc lấy ra có chút không tiện. Hầm sâu từ hai đến ba mét, mà chum cải thì có quá nhiều nước.
Hà Điền đặt lá cải ở phía trên miệng lọ, vắt hết nước bên trong, cho nước mặn và cay chảy ngược lại vào chum. Sau đó, cô cắt phần bẹ thành nhiều đoạn, ném cả nắm vào nồi rồi xếp phần lá vào một chiếc dĩa.
Lúc này nước trong nồi đã sôi, cô lấy ba bốn nắm miến khoai tây, ném vào, dùng đũa khuấy đều.
Dịch Huyền đã quét xong tuyết quanh nhà, cơm nước cũng đã sẵn sàng.
Trên bàn có hai cái tô đang bốc khói, bên trong có miến trắng như tuyết, lát thịt xông khói màu hồng đậm và những miếng cải thảo trăng trắng, giữa hai cái tô có một dĩa lá cải xanh màu ngọc bích, điểm xuyến những chấm đỏ li ti.
Miến có vị cay, bẹ cải giòn, thịt xông khói mặn mà, ngon tuyệt. Ăn xong tô miến chua cay nóng hổi này mà bụng no căng, toàn thân ấm nóng.
Hà Điền cho vào ấm một vài quả dài như quả đậu, màu đen xám, Dịch Huyền chưa bao giờ nhìn thấy những quả này, Hà Điền nói rằng bà của cô cũng không biết chúng là quả gì, nhưng thỉnh thoảng nấu chúng lên uống rất ngon.
“Dù sao thì cô cũng nên đặt cho nó một cái tên chứ?”
“Không có tên, cứ gọi là quả đậu nấu nước thôi.”
Dịch Huyền khẽ cười một tiếng. Hà Điền cũng cười.
Quả đậu được nấu sôi một lúc, Dịch Huyền ngửi thấy một mùi hương tương tự như kẹo sữa.
Mùi hương càng lúc càng nồng, nước sôi trào, Hà Điền rót ra hai cái ly, mở nắp ra, quạt quạt miệng nồi: “Thơm quá.”
Nước nấu từ quả đậu chỉ có vị ngọt nhẹ chứ không có vị quá nồng.
Hà Điền lấy quả đậu ra, cho vào một chiếc dĩa để phơi khô. “Sau khi nấu qua một lần, nếu nấu lại thì nước sẽ mất đi hương vị, nhưng đến mùa xuân khi làm xà phòng thì có thể nghiền nát nó ra rồi cho vào, vẫn còn rất thơm.”
Dịch Huyền đề nghị: “Vậy thì nên thêm chúng vào nến để làm nến thơm.”
“Nến thơm?”
Nhà Hà Điền sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Lấy mỡ động vật, đun nóng, lọc, đổ vào đèn dầu, thêm bấc làm bằng sợi bông là có thể dùng được. Đèn được tròng một cái chụp bằng thủy tinh, không dễ bị gió thổi tắt, đồng thời còn có thể mang đi khắp nơi. Có thể điều chỉnh cường độ ánh sáng bằng cách nâng cao hoặc thu ngắn bấc đèn. Nhưng cho dù cô có điều chỉnh thế nào thì nó vẫn cứ không có gì thay đổi.
Cũng có một số người dùng nến. Đáy nến được làm nóng rồi ấn chặt vào dĩa gốm hoặc giá đỡ nến làm bằng vật liệu nào đó, có thể di chuyển được. Một số người thích mua nến từ những người buôn bán, chúng không quá đắt, ngay cả ở những thành phố lớn nhất, không phải đâu đâu cũng có điện, và nguồn điện cũng không ổn định, mọi người đều giữ nến trong nhà. Một số thợ săn trên núi cũng tự làm nến. Họ chỉ cần nến có thể cháy được là được chứ cũng không yêu cầu kỹ thuật cao.
Nhưng những ngọn nến thơm mà Dịch Huyền đề cập, rõ ràng, chức năng chính không phải là thắp sáng.
“Khi cô đi tắm hoặc trước khi đi ngủ, hoặc đơn giản là chỉ muốn uống một tách trà thoải mái, đọc một cuốn sách, chợp mắt trong căn phòng ấm áp, nghe nhạc, nghĩ ngợi về một điều gì đó, thực sự là bất cứ lúc nào, nếu muốn, cô đều có thể thắp nến thơm.”
Dịch Huyền suy nghĩ một lúc rồi nói thêm: “Trong nến thơm cũng có hoa khô và trái cây khô, chẳng hạn như chanh cắt lát. Nến khi được đông cứng trong ly thủy tinh thì trông sẽ rất đẹp. Đôi khi còn có thể vừa ngâm mình vừa nhâm nhi uống trà và ăn một chút đồ ăn nhẹ.”
Nhắc đến chuyện tắm rửa, Hà Điền nhớ tới một điều. Dịch Huyền đã ở đây hơn hai tuần. Mặc dù Hà Điền đã đem quần áo cũ của bà mình sửa thành áo khoác lông, áo choàng bông và quần áo cho cô ấy, nhưng về phần đồ lót, Dịch Huyền không nhắc đến, cô cũng quên.
Hơn nữa, đã nhiều ngày như vậy, Dịch Huyền cũng giống như cô, trước khi đi ngủ thường hay dùng lược gốm chải đầu. Trên lược gốm có những lỗ nhỏ, giúp bay mùi. Việc gội đầu cũng đơn giản, cứ ba ngày một lần, trước khi đi ngủ, gội sạch tóc, đầu tiên dùng lược gốm chải sạch, sau đó xoa bóp da đầu bằng cát mịn trộn tro thực vật, cuối cùng dùng lược chải sạch cát và tro mịn đi, tóc liền trở nên mềm mại. Nếu thêm linh sam khô, lá thông, thân cây cúc dại hoặc bột làm từ hoa khô vào tro cây, tóc còn sẽ có mùi thơm.
“Tối nay chúng ta sẽ đi tắm, ngày mai giặt quần áo.” Hà Điền quyết định: “À, tôi có một ít vải bông, tôi làm cho cô một số đồ lót để thay thế nha? Cô muốn kiểu gì?”
Dịch Huyền đã rất vui khi nghe thấy câu nói “muốn đi tắm” trước đó, nhưng rồi lại trở nên xấu hổ khi nghe thấy hai từ đồ lót.
Cô ấy đỏ mặt, im lặng một lúc rồi nói: “Làm kiểu đơn giản nhất là được.”
Khoảng hai giờ chiều, trời vẫn còn hừng sáng, Hà Điền lấy vải ra trải trên bàn, không có thước đo, cô gọi Dịch Huyền đến đứng trước mặt mình, dùng tay đặt lên eo cô ấy đo, rồi lại đo luôn độ lồi của mông cô ấy.
Dịch Huyền cứng đờ như gỗ, Hà Điền nhẹ giọng nói: “Được, xong rồi!”
Ở trong rừng rậm mà được tắm giữa mùa đông thì chẳng khác gì ngày lễ.
Vì tắm cần đun rất nhiều nước nóng nên phải tận dụng nó một cách triệt để. Vì vậy, trước khi làm đồ lót cho Dịch Huyền, Hà Điền lấy một ít bột mì quý giá và bột men ra.
Cô sẽ hấp một số bánh bao để ăn.
Trộn đều bột mì và bột men, sau đó rắc hai thìa đường, một chút muối, thêm một chút nước ấm, khuấy từ thành chậu gốm vào giữa cho đến khi đều thì rửa tay, lau khô, sau đó cho một chút dầu ngỗng vào lòng bàn tay, thoa đều lên các đầu ngón tay rồi bắt đầu nhào bột.
Sau khi nhào bột có độ cứng vừa phải, phủ khăn ẩm lên miệng chậu để giữ độ ẩm cho bột. Đặt chậu trên mép bếp, không để quá gần lửa, nóng quá sẽ làm con men trong bột chết đi, bột sẽ không nở, lạnh quá thì phải đến nửa đêm mới nở được.
Nhào bột xong, Hà Điền đưa Dịch Huyền đi dọn dẹp nhà tắm.
Nó thực ra là một căn chòi nhỏ, vốn được dùng để làm thịt xông khói, nhưng do đã quá cũ nên được Hà Điền tận dụng làm thành nhà tắm.
Căn chòi nhỏ chỉ ba bốn mét vuông, hai người đứng bên trong rất khó xoay qua xoay lại, chính giữa chòi là chiếc bếp sắt đơn sơ, trong góc có kê một thùng gỗ lớn, cạnh thùng gỗ là chiếc thang nhỏ hai tầng giống ghế đẩu, phải bước lên nó mới vào thùng được.
Bên trong thùng còn có một băng ghế nhỏ, để mọi người có thể ngồi và ngâm mình trong đó.
Hà Điền đem một chậu tuyết vào, đổ tuyết vào thùng gỗ, nhờ Dịch Huyền giúp mình một tay nghiêng thùng gỗ qua một bên, dùng cỏ khô lau chùi sạch sẽ.
Trên thành thùng cách đáy thùng mười mm có một nút chai tròn, một sợi dây được đóng đinh vào giữa nút, kéo sợi dây trên thùng thì nước có thể chảy ra. Trên nút chai có bọc một lớp da, sau khi ngâm da sẽ phồng lên và lấp đầy khoảng trống giữa lỗ tròn và nút chai nên không phải lo lắng về việc thùng bị rò rỉ.
Trên sàn đặt thùng gỗ có một sợi dây thừng, kéo mạnh sợi dây, tấm ván gỗ mở ra, một luồng khí lạnh thổi vào.
Hà Điền kêu Dịch Huyền dựng thùng lên rồi từ từ di chuyển, để cho nút chai bên hông thùng kề sát với nơi tấm gỗ đang mở kia.
Khi muốn xả nước, chỉ cần kéo tấm gỗ trên sàn, rồi kéo nút chai trên thùng, nước bẩn có thể trực tiếp chảy ra ngoài từ đây.
Họ đốt lửa lên rồi đậy nắp bếp lại, từ từ làm nóng căn phòng trước.
Hơn hai giờ sau, Hà Điền dùng vải bông để may hai bộ đồ lót “kiểu đơn giản nhất” cho Dịch Huyền, bột trong chậu cũng đã nở.
Khi nhào, khối bột chỉ có hình tròn to hơn nắm tay, giờ gần như lấp đầy cả chậu, tỏa ra mùi thơm đặc trưng của bột sau khi lên men.
Hà Điền nói với Dịch Huyền: “Giờ thì cô có thể nấu nước được rồi!”
Dịch Huyền lấy hai thùng nước đi nấu, còn Hà Điền thì bôi thêm một lớp dầu lên tay rồi bắt đầu làm bánh bao.
Cô ngắt một nắm bột ra, bột kéo theo những dải dây bạc, rồi nhanh chóng co lại thành hình tròn, trên bột đầy những lỗ nhỏ, toát lên mùi thơm đặc trưng của quá trình lên men tinh bột.
Hà Điền lại nhào bột thành một cục, chia thành hai phần và cắt một phần thành tám miếng. Cô đặt một miếng vải đã ngâm nước vào trong xửng hấp tre rồi xếp đều tám chiếc bánh bao nhỏ lên.
Phần còn lại, cô dự định làm một món bánh bao hơi đặc biệt.
Trong nhà tắm, Dịch Huyền cũng đã nấu xong một nồi nước.
Như lời Hà Điền nói, đầu tiên cô ấy lấy nắp thùng gỗ treo trên tường xuống, đậy nắp thùng lại, sau đó đổ nước nóng vào thùng qua lỗ tròn trên nắp. Bằng cách này, hơi nước nóng có thể ở trong thùng nhiều nhất có thể.
Sau đó, cô ấy nấu nồi nước thứ hai.
Hà Điền nói, phải nấu ba hoặc bốn nồi nước mới đủ.
Khi Dịch Huyền đổ nồi nước thứ hai vào thùng gỗ, Hà Điền mang theo một lồng bánh bao hấp đến.
Lúc này, những chiếc bánh bao hấp lại phình to ra, nở to hơn rất nhiều so với lúc nhào và cho vào nồi hấp.
Thay ấm nước bằng nồi sắt, thêm nước, sau khi nước sôi thì cho vào nồi hấp cách thủy khoảng mười phút, mùi tinh bột ngọt ngào và hơi nước bắt đầu tỏa ra trong phòng.
Bánh bao này sau khi được hấp chín, trông giống như một bầy thỏ trắng mũm mĩm xúm xít vào nhau.
Sau khi đổ nước vào, Hà Điền kiểm tra nhiệt độ của nước: “Gần như có thể tắm được rồi! Chỉ cần thêm một chút nước lạnh vào là được.”
Dịch Huyền lập tức nói: “Cô đi tắm trước đi.”
Hà Điền đoán có lẽ cô ấy lại đang ngượng ngùng: “Được rồi. Sau khi tắm xong, tôi sẽ xả một ít nước dưới đáy thùng ra, để phần nước còn lại được sạch. Lúc tắm, tôi sẽ nấu một nồi nước, đợi khi cô tắm thì cho vào, vậy thì nước vẫn sẽ luôn ấm.”
Hai người thảo luận xong, Hà Điền đem bánh bao hấp đi, Dịch Huyền lại xách hai thùng nước lạnh qua, nấu thêm nước.
Hà Điền bỏ quần áo sạch vào một cái giỏ rồi xách ra ngoài cùng với một cái giỏ đựng bánh bao khác.
Cô đặt những chiếc bánh bao hấp vào nồi sắt rồi nói với Dịch Huyền, người đang vội vàng chạy ra ngoài: “Cô có thể ăn một cái bánh bao hấp khi còn nóng!”
Dịch Huyền ừ một tiếng, bỏ chạy thật nhanh.
“Vội ăn bánh như vậy sao?” Hà Điền lẩm bẩm, đóng cửa lại, cởi quần áo rồi bước vào thùng tắm.
Sau hơn hai mươi phút, cô tắm xong, bánh cũng đã được hấp chín.
Hà Điền chạy trở lại nhà, gọi Dịch Huyền: “Cô đi tắm đi.”
Dịch Huyền cúi đầu bỏ chạy.
Cô ấy bước vào nhà tắm, căn phòng nóng hừng hực và đầy hơi nước trắng xóa, trộn lẫn với mùi củi đốt và mùi bánh hấp. Cô ấy đóng cửa lại, khi đang cởi quần áo, cô ấy thấy Hà Điền đã đặt một thanh gỗ nằm ngang trên nắp thùng tắm, trên đó là một chiếc dĩa với một tách trà và một cái bánh bao hình bông hoa.
Cái bánh bao này giống như một bông hồng đang nở, có nhiều lớp cánh hoa, giữa các cánh hoa có viền mờ màu cam vàng.
Làm thế nào để làm ra nó? Và nó được làm bằng gì?
Dịch Huyền mỉm cười, cẩn thận bước vào trong thùng, nước trong thùng nóng đến mức khiến người ta thở ra, cô ấy nín thở ngồi phịch xuống, từng thớ thịt và từng tấc da trên cơ thể đều được ủi phẳng phiu bằng nước nóng trở nên mềm mại và thật dễ chịu.
Cầm cái bánh bao nhỏ trong tay, cắn một miếng nhỏ, Dịch Huyền nếm thử, đây là hồng khô.
Hà Điền cho một lớp hồng khô vào trong từng lớp bột đã nhào.
“Ngọt quá… ” Dịch Huyền mỉm cười, đặt bánh bao xuống, nhấp một ngụm trà. Loại trà này đã được rang qua với gạo dại.
Củi trong bếp sắt đang cháy, phát ra tiếng răng rắc nhỏ, ánh lửa lóe lên thông qua các khe hở của bếp, cả căn phòng tràn ngập hơi nước.
Như thế này không phải là, vừa ngâm nước tắm, vừa uống trà, vừa ăn điểm tâm sao?
Dịch Huyền dựa đầu vào thành thùng, thở ra một hơi, rồi bất giác mỉm cười.
Tác giả: Môi trường sống không tốt không có nghĩa là cuộc sống sẽ thô ráp.
Sắp không giả nữ được nữa rồi!