Đầu hạ năm 1933, công trình cải tạo lâm viên trên Xà Sơn, Vũ Xương đã bắt đầu có hình hài cụ thể, người ta mắc dây điện, khai phá đất đai, dọn dẹp khang trang, trồng thêm cây cối, tu bổ di tích, làm đường nhựa và đường bộ dọc từ chân núi lên sườn núi, xe con có thể đi thẳng tới Bão Băng Đường. Đỉnh núi có bức tượng đồng của anh hùng Tân Hợi Hoàng Hưng, tượng quay mặt về hướng đông, mắt dõi ra xa, tay áo tung bay, rất hợp với ý cảnh trong câu thơ “Đứng trơ trong cõi mịt mờ, Gió êm se sẽ vờn bay áo người” của ông. Ngày hoàn thành bức tượng, những nhân vật nổi danh trong đủ các ngành nghề cùng các cư dân thành phố leo lên Xà Sơn để tổ chức buổi tiệc mừng. Trước đó, cả thành phố Vũ Xương chẳng có lấy một công viên tử tế. Ở Trường đua ngựa Tây Thương cũ ngoài Hán Khẩu từng xuất hiện tiền lệ “Cấm người Hoa và chó”, dù sau đó đã có Trường đua ngựa Hoa Thương, tiền bạc vẫn là tấm bình phong kiên cố ngăn cách người với người. Cuối cùng, cách một con sông, ngay tại Vũ Xương này cũng đã có một chốn nghỉ ngơi dành cho tất cả mọi người, không kể giàu sang phú quý hay nghèo đói ti tiện, có thể khen một câu “Trông cõi giang sơn, bình an tốt lành”.

Sau buổi lễ mừng long trọng, đám người tản đi, có kẻ bước vào quán trà dựng tạm uống ly nước nghỉ ngơi, có kẻ ra tham quan các thắng cảnh còn đang kiến thiết, người thì ngồi trên bãi cỏ nhấp rượu thưởng cảnh, cũng không ít khách khứa đứng chụp ảnh tập thể trước tượng đồng. Hôm nay tiết trời râm mát, dù đã gần trưa nhưng nắng mặt trời vẫn rất dịu nhẹ, đây là dịp thích hợp chụp ảnh. Gió mát lượn quanh, hương hoa vờn chóp mũi, vạt nắng lấp lánh êm ái trong tiếng nói cười.

Người chụp ảnh rất đông, mấy tốp cuối cùng toàn là danh gia vọng tộc, không nhóm nào ít hơn năm người, trong đó có một gia đình ăn mặc rất sang trọng thanh lịch, cử chỉ lời nói nhã nhặn, lúc người khác chụp ảnh, họ đứng nép một bên rất lịch sự, dù có khách bước ra chiếm chỗ, họ vẫn chẳng cáu giận, cứ lẳng lặng chờ đợi, cuối cùng đến lượt mình mới thong dong bước lại.

Nhiếp ảnh gia cắm đầu vào máy ảnh, cậu trợ lý trẻ phụ giúp sắp xếp vị trí cho khách khứa. Đường đất không mấy bằng phẳng, cậu trai trẻ nhắc nhở một thiếu phụ bụng bầu rất chu đáo: “Mợ cẩn thận kẻo vấp chân, mợ bước sang bên phải một chút đi, đúng rồi, đứng gần chồng mình hơn một chút ạ.”

Thiếu phụ có hàng mày dài mảnh, gương mặt thanh tú hơi sưng do mang thai, cơ thể cô cứng đờ không nhúc nhích, một đôi mắt như nước hồ thu lạnh nhạt đưa qua, người đứng bên tay phải cô là một người đàn ông vô cùng tuấn tú, nghe vậy, anh dời một bước nhường chỗ nhưng thiếu phụ vẫn đứng im, dưới chân có hai hòn đá nên rõ ràng cô đang không được thoải mái. Người đàn ông biến sắc, đang định nói gì thì một người khác đứng bên tay trái thiếu phụ đã mỉm cười, khẽ cất lời: “Cẩn thận.” Cậu ta vươn tay ôm eo thiếu phụ, lúc này cô mới nhẹ nhàng di chuyển.

Cậu trai biết mình lỡ lời, sau khi mọi người đã đứng vào vị trí, cậu ta nhanh chóng trở về bên cạnh nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia lườm cậu trai, thì thầm: “Đó là mợ trẻ nhà thị trưởng Từ, người đứng bên trái là cậu Từ, bên phải là anh cả mợ ấy, không đoán được thì đừng nhiều lời.”

Cậu trợ lý lén lè lưỡi.

Mấy hôm sau anh đã được rửa, đưa đến phòng làm việc của Từ Đức Anh tại hiệu buôn Tây Vũ Xương, cậu ta bèn mang về nhà. Lúc về hẵng còn sớm, người làm vẫn chưa bắt đầu chuẩn bị cơm, Cảnh Ninh đang trong phòng ngủ, tựa mình trên giường đọc sách. Thấy cậu ta bước vào, cô không ngẩng đầu, chỉ hờ hững nói: “Về rồi à.”

Từ Đức Anh đưa cho cô tấm ảnh: “Đây là ảnh chụp hôm trước, anh đã gửi cho cả vợ chồng Trình Viễn rồi, anh gửi chuyển phát nhanh đấy, chắc họ về Bắc Bình mấy hôm là nhận được.”

Cảnh Ninh không có ý muốn tiếp lời, chỉ lật giở cuốn sách lý luận âm nhạc, không biết xem có vào đầu không. Đức Anh ngồi bên giường, chỉ tấm ảnh nói: “Chụp đẹp lắm đấy, em đã ra dáng một người mẹ rồi.”

Nghe vậy, Cảnh Ninh không khỏi quay đầu lại, cậu ta bèn tiện thể ngồi luôn xuống, để cô tựa vào người mình.

Ảnh có chín người, đều những chàng trai cô gái trẻ tuổi, duyên dáng chỉnh tề. Cảnh Huyên đã kết hôn với cô tư nhà họ Thiệu, hai vợ chồng đều xuất hiện trong ảnh; trừ vợ chồng Từ Đức Anh ra, nhà họ Từ còn có hai người bà con họ nội góp mặt; ngoài ra có cả Lưu Trình Viễn và chồng, sau khi kết hôn họ đã chuyển tới Bắc Kinh, dịp này về Hán Khẩu để tham dự hôn lễ người thân; còn một người nữa là Ngân Xuyên, hôm ấy anh tham gia với tư cách nhà tài trợ tham dự nghi lễ cắt băng, vậy nên mới bị mọi người kéo vào chụp ảnh cùng, anh luôn không thích góp mặt vào những cuộc vui, chụp ảnh xong là đi ngay.

Cảnh Ninh trong ảnh không nở nang, mắt mày hẵng còn vương vẻ ngây thơ, nếu không phải vì chiếc bụng thì chẳng ai nghĩ cô đã làm mẹ rồi.

Cô không nói tiếng nào, chỉ nhìn tấm ảnh chằm chằm, Đức Anh đưa mắt nhìn xuống, thấy lông mi cô khẽ run lên, cánh mũi trắng muốt nhẹ nhàng chuyển động theo nhịp thở, thần thái giống một cô gái nhỏ hơn là một bà mẹ.

Cậu ta không bao giờ quên được cảnh tượng lần đầu gặp cô.

Khi ấy cậu ta từ Chiết Giang chuyển tới mảnh đất Hồ Bắc lạ lẫm, trở thành một nhóc học sinh mới trong ngôi trường xa lạ, giáo viên quốc văn gọi cậu ta lên bục giảng tự giới thiệu, cậu ta lại ngây ra như phỗng, nói cũng chẳng dám nói. Có tia sáng gắt gỏng ngoài cửa sổ chiếu lên cô bé ngồi hàng trước, sợi tơ trên bộ đồ màu ngó sen tinh tế lấp lánh tia sáng. Cô nhìn cậu ta, khi hàng mi khẽ chớp, đôi đồng tử của cô long lanh, cũng lấp lánh phát sáng, bờ môi cong, làn da trắng muốt, lỗ chân lông nhỏ xíu hòa trong ánh sáng, hóa thành cảnh tượng mà đời này cậu ta khó lòng quên được.

Giờ cô bé ấy đang ở bên cậu ta, cô trở thành vợ cậu ta, chuẩn bị sinh nở.

Cô là Cảnh Ninh, nhưng dường như cô không phải Cảnh Ninh trong ký ức của cậu ta.

Mỗi sớm thức dậy, Đức Anh sẽ lại lặng lẽ quan sát cô, nhìn gương mặt tinh tế được trải một tầng nắng ban mai, ngắm mãi không chán. Cậu ta cũng yêu cả cái cách cô hất mái tóc mình, yêu động tác cởi áo khoác quen thuộc của cô mỗi lần về nhà, yêu dáng vẻ hoạt bát sáng sủa của quá khứ mà thi thoảng mới xuất hiện nơi cô. Có lần, cô mặc đồ ngủ, ngồi trước bàn trang điểm chải đầu, cậu ngồi dậy, to gan bước tới hôn lên phần gáy trần trụi của cô, cô không quay người, để mặc cậu ta hôn, nhưng cô vẫn rùng mình ớn lạnh, cái rùng mình ấy khiến cậu ta phiền muộn suốt mấy ngày trời. Bọn họ không thể thật sự thân mật với nhau, cậu ta từng thử vô số lần, cô cũng ép mình phải thích ứng, nhưng cuối cùng chẳng ai thành công, cảm giác xa lạ vô hình mà bèn chắc khiến cả hai cảm thấy vô vọng. Việc mang thai đã cho họ cái cớ để trì hoãn những hành động thân mật hơn, cũng vì vậy mà cuộc hôn nhân này mang một thứ ảo giác tôn trọng nhau như khách, chẳng ai muốn xé toạc nó.

Vụ mất tích của Phan Thịnh Đường được xếp xó trong ngăn đựng hồ sơ đồn cảnh sát, biến thành một vụ án treo. Khoảng thời gian này cũng không có biến chuyển nào. Ngoài ra, vẫn có rất nhiều chuyện đã xảy đến.

Ví dụ như Phương Kỳ Kỳ đã chuốc lấy một mối bất hạnh khiến người ta phải khó xử. Hồi đầu năm, cô ấy kết bạn với một chàng trai Thượng Hải qua thư từ, sau một thời gian trao đổi thư, Kỳ Kỳ nảy sinh tình cảm với chàng trai. Nhận lời mời, cô giấu gia đình, lén lút tới Thượng Hải, hai người trải qua một ngày một đêm ngọt ngào bên nhau. Sáng sớm hôm sau, chàng trai đưa cô tới tiệm làm đầu, làm được một nửa, chàng trai nói mình ra ngoài mua đồ ăn sáng, thế là không về nữa. Túi xách Kỳ Kỳ để anh ta giữ, trong đó có chứa toàn bộ lộ phí của cô. Người làm trong tiệm đưa Kỳ Kỳ đi báo cảnh sát, đến khi nhà họ Phương cho người từ Vũ Hán đến Trường Sa, tiền làm đầu mới được thanh toán xong xuôi.

Nhà vị hôn phu của Kỳ Kỳ biết chuyện bèn lập tức hủy bỏ hôn ước. Để giấu chuyện xấu mặt, nhà họ Phương đưa Kỳ Kỳ tới Tứ Xuyên. Khi đi, Kỳ Kỳ còn chưa kịp từ biệt Cảnh Ninh và Trình Viễn. Chẳng bao lâu sau Trình Viễn cũng kết hôn rồi chuyển tới Bắc Bình cùng chồng. Vì vậy mà Cảnh Ninh đã mất cả hai người bạn thân thiết nhất. Cảnh năm người đi chơi thuyền ngoài hồ vẫn còn rõ như ngày hôm qua, ấy thế mà chớp mắt, ngoại trừ Cảnh Ninh và Đức Anh đã nên vợ nên chồng ra, những người còn lại đều lưu lạc tứ phương.

Ngoài mặt, Đức Anh không nhận thấy bất cứ thay đổi nào của Cảnh Ninh, nhưng cậu ta biết lòng cô đang nặng trĩu. Cậu ta hiểu nỗi buồn của cô, vì người bỏ đi không chỉ có hai người bạn của Cảnh Ninh, mà còn có cả người cô thật sự đem lòng yêu.

Đức Anh thật lòng muốn đối xử tốt với Cảnh Ninh, Cảnh Ninh cũng luôn cố gắng làm tròn chức trách của bà chủ gia đình. Nguồn cơn của cuộc hôn nhân này là trận phong ba kín đáo không ai dám tiết lộ, đây cũng là vết thương trong lòng người nhà họ Từ, Đức Anh từng rất lo, không biết mẹ mình sẽ đối xử với Cảnh Ninh ra sao.

Mẹ chồng nàng dâu vốn rất khó cơm lành canh ngọt, gặp người mẹ chồng như bà Từ lại càng khó hơn. Bà Từ mắc bệnh sạch sẽ, đi đường về là lập tức phải rửa tay thay đồ, mà không chỉ thay có một lần. Nhà họ Từ toàn quan chức nhà nước, không có nhiều kẻ hầu người hạ, có lúc bận bịu quá, chủ nhà vẫn phải đỡ đần việc nội trợ. Riêng chuyện thay đồ của bà Từ thôi đã rất phức tạp. Nào đồ nhà bếp, đồ phòng khách, đồ trong phòng nghỉ, mỗi nơi bà phải mặc một món khác nhau. Nếu ra ngoài vườn hoa ngắm cảnh, khi vào nhà bà sẽ phải thay ngay một bộ quần áo mới rồi mới ngồi xuống xô pha. Đức Anh đã nhắc trước với Cảnh Ninh về thói quen của mẹ mình, mong cô có thể chuẩn bị tâm lý trước, vậy nên ngày đầu bước vào cửa, chuyện đầu tiên Cảnh Ninh làm là chuẩn bị cho mình mấy bộ đồ để sẵn thay bất cứ lúc nào.

Bát đĩa nhà họ Từ cất trong tủ, trước khi mang lên phòng ăn bắt buộc phải ngâm nước một lần, rồi lại xối nước nóng thêm ba lần nữa. Đến Từ Chúc Linh và Đức Anh cũng thấy thái quá. Đức Anh sợ Cảnh Ninh không thích ứng nổi, cô là một cô gái phóng khoáng, không chịu ràng buộc, có khi mẹ chồng nàng dâu lại xung đột với nhau, nhưng phản ứng của Cảnh Ninh lại khiến Đức Anh vô cùng kinh ngạc.

Sau khi nghe bà Từ dặn dò cẩn thận, cô chỉ mỉm cười, ngoan ngoãn nói: “Dạ vâng ạ, con sẽ xối nước nóng năm lần!”

Cô không hề đùa giỡn, tất cả mọi chuyện bà Từ chỉ yêu cầu cô làm chừng bảy phần là được, cô lại cứ nhất quyết làm đến chín phần hoặc tròn mười phần. Cô biến hẳn thành một con người khác, khác xa tưởng tượng của Đức Anh. Sự cần mẫn, hiếu thảo, không một lời phàn nàn của cô đã khiến bầu không khí gia đình trở nên hết sức hòa thuận, sau khi công bố tin mang thai, vợ chồng Từ Chúc Linh càng yêu thích cô con dâu xuất thân trong gia đình kiểu Tây này hơn.

“Đức Anh này, đứa hiền lành thật thà như con vớ được vàng rồi đấy!” Bà Từ không khỏi cảm thán.

Đức Anh không tiếp lời, không tính đến chuyện thật thà hay không, nhưng miếng vàng này chẳng phải do cậu ta vớ được, cậu ta đã hao hết tâm trí để tranh cướp nó. Vì vậy nên cậu ta vô cùng bất an.

Chỉ mình cậu ta thấy được sự hời hợt xa cách của Cảnh Ninh sau nụ cười gượng gạo, hằng ngày cô đều ứng phó với đủ người, đủ việc, chỉ cần làm đẹp lòng nhau là con người ta sẽ trở nên ung dung hòa nhã. Sự dịu dàng của cô nói dễ nghe là thỏa hiệp, nói khó nghe thì là làm vì muốn bớt phớt toái, mong được người ta để yên. Cô sống rất khổ sở, sức khỏe cũng rất tệ, cơn nôn nghén vốn nên chấm dứt vẫn tiếp tục kéo dài, đến khi tình hình chuyển biến tốt đẹp hơn đôi chút, hai người bạn thân lại lần lượt rời Hán Khẩu, cô mất ngủ mấy đêm liền, càng lúc càng trở nên gầy gò, hơn nữa người còn bị sưng phù đau đớn.

Đức Anh không biết phải làm sao để cô khá lên, vui lên, vô ưu vô lo như thời thiếu nữ. Trong hoang mang bất lực, cậu ta quyết định cầu cứu một người.

Sau khi ở tạm tại đường Bảo Thuận một thời gian, Trịnh Ngân Xuyên chuyển tới một căn nhà tại Tô giới Đức, không lưu lại nhà họ Phan nữa. Anh vùi đầu vào công việc, mất chừng nửa năm để thoát khỏi vụ tố tụng khó nhằn. Trong gần một năm nay, anh sống vô cùng lặng lẽ, dù cũng liên lạc với nhà họ Phan và nhà họ Từ, nhưng anh cũng không quá niềm nở chủ động.

Đức Anh mặc Nam Gia ngăn cản, cứ thế xông vào phòng làm việc của Ngân Xuyên. Ngân Xuyên ngẩng đầu, nhướng mày: “Sao em rể không đưa đám côn đồ của mình về theo, như vậy sẽ hoành tráng hơn đấy. Nếu không đủ tiền, không thuê được thì tôi có thể cho cậu một ít.”

“Em không có hứng đùa với anh cả đâu.” Đức Anh lạnh mặt, thuật lại tình hình của Cảnh Ninh cho anh.

Ngân Xuyên nghe mà mặt không đổi sắc, gân xanh trên thái dương khẽ giật, anh chầm chậm cất lời: “Năm Ninh Ninh bảy tuổi, người ta tổ chức một cuộc thi dương cầm cho thiếu niên ở Tô giới Anh, con bé tham gia, đoạt giải Tư nhưng lại được nhiều phần thưởng hơn cả, vì trong số các thí sinh tham gia, Ninh Ninh là nhỏ tuổi nhất. Có một thành viên Cục Quản lý Tô giới rất thích con bé, bèn bế con bé, cho ngồi trên đầu gối mình, nói con bé là công chúa Bạch Tuyết. Cảnh Ninh lắc đầu liên tục, nói cháu không thèm làm công chúa Bạch Tuyết đâu. Người nọ bèn cười: Không làm công chúa Bạch Tuyết thì chắc cháu muốn làm Lọ Lem nhỉ? Con bé lại lắc đầu, nói, cháu cũng không làm Lọ Lem đâu. Lãnh sự nọ bèn hỏi thế cháu muốn làm gì? Cảnh Ninh đám, cứ người trong cung là cháu không thích, cứ vật trong lồng là cháu không làm, cháu muốn trở thành chú chim nhỏ bay trên trời cao.”

Đức Anh mím môi, Ngân Xuyên chật vật nở nụ cười: “Người như cô bé ấy cuối cùng lại bị xiềng xích thế này.”

Đức Anh nói: “Cuộc sống của cô ấy coi như cũng tốt đẹp, không ai hà hiếp cô ấy, mọi người trong nhà nâng cô ấy như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Cô ấy muốn gì có nấy, thích đi đâu cứ việc đi nấy.”

“Muốn gì có nấy, thích đi đâu cứ việc đi nấy?” Ngân Xuyên dửng dưng lặp lại, anh ngước mắt nhìn cậu ta, “Vậy sao?”

“Xin anh hãy nói cho em biết em nên làm gì để giúp cô ấy vui lên?”

“Đưa con bé ra ngoài dạo phố, con bé thích ăn đồ ăn bên ngoài, đưa con bé ra ngoài ăn đi.” Ngân Xuyên xé một tờ ghi chú ra, viết vội tên vài nhà hàng, rồi lại viết thật nhiều tên những món ăn.

Đức Anh nhận lấy, đáp cảm ơn.

Ngân Xuyên nói: “Phải rồi, con bé không thích ăn vỏ bánh mì, nó thích ăn đồ mềm, đồ ngọt. Con bé rất thích âm nhạc, Handel, Haydn, Bach, Mozart, Debussy là những nhà soạn nhát con bé thích nhất. Nhà cậu có piano không?” Thấy Đức Anh gật đầu, Ngân Xuyên lại nở nụ cười buồn bã, “Có cũng vô ích… Con bé thích đàn bản ‘Love’s Sorrow’ nó cải biên một cách lộn xộn nhất, còn cả bản ‘Sonata số 11 cho piano cung La trưởng’ của Mozart nữa, nhưng kể từ khi… chắc con bé sẽ không muốn đàn dương cầm nữa, không ai còn có thể khiến con bé đàn lại nữa.”

Tia sáng buồn đau ánh lên trong mắt anh: “Tiếng đàn của con bé là âm thanh đẹp đẽ nhất trên đời.”

Đức Anh cúi đầu, im lặng hồi lâu, cậu ta ngẩng đầu, nói: “So với anh cả thì em đúng là vô dụng.”

Ngân Xuyên quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, không đáp lại.

“Phương Kỳ Kỳ và Lưu Trình Viễn đều đã rời Hán Khẩu, hằng ngày Cảnh Ninh giam mình trong nhà, không đi lại, cũng ít khi nói chuyện, em không biết phải làm thế nào mới giúp cô ấy vui lên.”

“Cậu về đi, tôi sẽ nghĩ cách.” Ngân Xuyên nói.

Vài ngày sau, một thiếu phụ trẻ xinh đẹp hoạt bát tờ nhà họ Từ thăm Cảnh Ninh, Đức Anh từng gặp cô gái này tại hôn lễ, đó là vợ của Đồng Xuân Giang.

Bà Đồng mang rất nhiều đồ thêu tới, nói muốn dạy Cảnh Ninh làm áo quần và giày cho em bé, coi như giúp cô giết thời gian, luyện tập trí não. Cô gái này ăn nói thẳng thắn, không sợ động chạm, nhưng nghe lời cô gái ấy, Cảnh Ninh lại nảy sinh niềm yêu mến khoan dung. Cứ như thể cô đang quay về thời mình còn là một cô bé, khi ấy cô luôn yêu mến mọi cô bé yếu đuối hơn mình. Đó là một thứ tình cảm giữa những người chị em. Nhưng Đức Anh không thấy bà Đồng yếu đuối, ngược lại, thiếu phụ này tự do vui vẻ như một gốc cỏ dại, có lẽ đây chính là điểm khiến Cảnh Ninh yêu mến cô.

Cảnh Ninh hỏi bà Đồng: “Cô học chữ thế nào rồi? Đọc xong hết từ điển chưa?”

“Hóa ra cô giáo quẳng gánh giữa đường còn nhớ tôi à.” Bà Đồng bĩu môi.

Cảnh Ninh cười, nói: “Nếu cô không ngại phiền thì cứ thường xuyên tới nhà tôi, cô dạy tôi may quần áo, tôi tiếp tục dạy cô học chữ, thế nào?”

“Tôi chỉ chờ có câu này thôi đấy!”

Lần thứ hai quay lại, bà Đồng dắt theo cậu con trai Tiểu Hỉ hai tuổi, thằng bé kháu khỉnh bụ bẫm, ai ai cũng mến, Cảnh Ninh nhìn Tiểu Hỉ, không khỏi bật cười. Thực ra đứa bé trong bụng cô cũng có tên mụ, là tên Từ Đức Anh đặt cho bé, “Tiểu Quai”.

Khi ấy Đức Anh cũng có nhà, tim cậu ta rung lên, đây là lần đầu tiên cậu ta thấy được niềm yêu mến từ tận đáy lòng Cảnh Ninh kể từ khi kết hôn.

Đức Anh đắm chìm trong những suy nghĩ đứt đoạn, Cảnh Ninh đặt tấm ảnh xuống, kéo tay áo cậu ta: “Ngơ ngác gì thế?”

Cậu ta sực tỉnh, thấy Cảnh Ninh ngẩng đầu nhìn mình bèn cười, nói: “Anh đang nghĩ chẳng mấy chốc là em sẽ trở dạ, trong lúc này em đừng để mình vất vả quá, không phải lo chuyện nội trợ, có khó chịu chỗ nào thì cứ nói để còn chuẩn bị trước. Anh định sẽ mời thêm mấy người làm.”

Cô cũng đã sắp đến ngày lâm bồn, sớm hơn một tháng so với ngày thông báo trước gia đình, Đức Anh luôn nhớ rất rõ ngày.

“Em chuẩn bị sẵn từ trước rồi.” Giọng điệu cô rất nhẹ nhàng, thậm chí có phần dửng dưng thờ ơ, “Cũng không nhất thiết phải thuê người ở, nếu nhà bận bịu quá thì mời cô người làm Tiểu Quân ở nhà mẹ đẻ em đến một thời gian là được, cô ấy ở bên em từ ngày nhỏ, nghe lời lắm.”

Đức Anh cau mày, tưởng cô đang muốn tiết kiệm tiền cho mình, bèn rút một phong thư ra từ túi áo, dè dặt đặt vào tay cô.

Cảnh Ninh mở ra xem, thấy bên trong có một xấp tiền dày, không bật cười: “Anh định làm gì vậy? Em có tiền mà.”

Đức Anh nói: “Trước đây em bảo muốn có một cửa hàng piano, lúc đó anh đã nói chắc chắn anh sẽ ủng hộ em, em còn nhớ không? Giờ em đã là vợ anh rồi, anh càng phải ủng hộ giúp đỡ em hơn chứ. Vậy nên anh quyết định mỗi tháng sẽ tiết kiệm chút tiền giao cho em, sau này em sinh con xong, tĩnh dưỡng khỏe mạnh rồi, vợ chồng mình sẽ cùng mở một cửa hàng piano nhé, được không?”

Cảnh Ninh sững sờ.

Đức Anh lúng túng nói: “Anh là con người nhàm chán, chỉ biết dùng cách ngốc nghếch thế này để lấy lòng em thôi, có phải anh kém cỏi lắm không?”

“Không, em không thấy vậy.” Cảnh Ninh nắm lấy tay cậu ta, ngón tay gầy gò khẽ vuốt ve đốt ngón tay Đức Anh.

Đức Anh nhẹ nhàng ngẩng đầu lên, nhưng chỉ nở nụ cười bất đắc dĩ: “Ninh Ninh, thà rằng em mắng anh, oán trách anh còn hơn, anh không muốn em tha thứ cho anh một cách đơn giản như vậy.”

Cảnh Ninh buông tiếng thở dài trong im lặng.

Mấy ngày sau, Từ Chúc Linh quyết định tổ chức một buổi tiệc trà tại nhà, chiêu đãi một vài nhân vật nổi tiếng và bạn bè cũ trong giới chính trị và kinh doanh. Bà Từ và Cảnh Ninh phụ trách thu xếp bữa tiệc. Đức Anh kiên quyết phản đối với lý do Cảnh Ninh không chịu được mệt nhọc, bà Từ cười nói: “Ba ngày trước khi sinh con mẹ còn làm việc ở phòng văn thư, không sao đâu, còn lâu Ninh Ninh mới sinh, hơn nữa càng gần ngày chuyển dạ càng nên hoạt động nhiều hơn.”

“Sao lại như vậy?!” Đức Anh sốt sắng.

Cảnh Ninh xen vào: “Mẹ là người có kinh nghiệm, lời mẹ nói chắc chắn phải có lý rồi.”

Đức Anh giậm chân: “Em đừng góp vui vào nữa, nghe lời anh đi.”

Cảnh Ninh nói: “Nếu anh từng sinh con rồi thì em sẽ nghe lời anh.”

Bà Từ phì cười, ôm lấy vai Cảnh Ninh: “Ninh Ninh à, con chỉ đưa ý tưởng thôi là được, chuyện mua sắm đồ đạc cứ để mẹ lo, con không phải nhọc công đâu.” Rồi bà lại bảo, “Bụng con có vẻ lớn lắm rồi đấy, chắc đây là một đứa bé mập mạp.”

Cảnh Ninh cười.