Mùa đông năm 1925, Phan Cảnh Sâm mười bảy tuổi bừng tỉnh khỏi giấc mộng.

Cơn rét lạnh ập tới, làn nước mưa đậu trên mái tóc anh. Anh đưa mắt nhìn ra con đường nhỏ thông với vườn hoa ngoài cửa sổ, nơi đó chẳng có lấy một bóng người, chỉ rậm rạp những cây những hoa cùng sương mù phủ dày, mưa xuân buông xuống, hơi nước ngập khắp không gian.

Anh khẽ lau nước mưa vương trên gương mặt và đầu tóc, đóng cánh cửa sổ bị gió thổi bật tung lại, lớp thủy tinh in rõ gương mặt thanh tú của người thiếu niên, ánh mắt sâu thẳm như biển sâu lúc đêm về, thủy triều lẳng lặng dâng trào.

“Cậu cả…”

Cửa phòng đọc sách khẽ hé mở, cậu người làm Vân Thăng ló mình vào, nhìn anh bằng ánh mắt đầy quan tâm.

Cảnh Sâm liếc nhìn những mảnh vỡ dưới đất, anh nở nụ cười áy náy: “Tôi lỡ thiếp đi, không cẩn thận lại huých cùi chỏ làm rơi tách trà.”

Vân Thăng gọi cô hầu gái vào phòng đọc sách quét dọn, phần mình thì châm thêm tách trà mới đặt lên bàn rồi dịu giọng:

“Mấy hôm nay cậu bận bịu quá rồi, khó khăn lắm mới có thời gian nghỉ ngơi mà còn nhốt mình trong phòng đọc sách. Cậu về phòng ngủ ngả lưng đi ạ.”

Cảnh Sâm cười khổ: “Tôi vốn đã chẳng lanh lợi, nếu còn không gắng siêng năng thì cha lại càng khó an lòng.”

Vân Thăng cười: “Ông chủ có bao giờ yên tâm ai đâu, chỉ yên tâm nhất với mình cậu cả thôi.”

Cảnh Sâm nâng tách trà nhấp một ngụm, rồi lại mở đồng hồ ra nhìn: “Cô Địch tới rồi nhỉ, Ninh Ninh đã dậy chưa?”

“Tiểu Quân đang trông cô chủ, cậu cả cũng đã dặn rồi, Tiểu Quân sẽ không để cô ấy ngủ nướng đâu.”

Có tiếng piano loáng thoáng vọng vào phòng, Cảnh Sâm nghiêng đầu lắng nghe, cũng thấy yên dạ.

Vân Thăng nói: “Thời đại này người ta làm gì thì hầu như cũng chỉ mong qua loa đại khái, được cái bề ngoài là đủ, có mình cậu cả là dốc hết tâm sức, cẩn thận đến giọt nước cũng không để lọt, cả nhà ai ai cũng biết, khen cậu không ngớt lời.”

Gương mặt Cảnh Sâm thoáng ửng đỏ.

Dẫu sao Vân Thăng cũng hơn anh đôi tuổi, dù có là người làm thì vẫn lõi đời hơn anh nhiều, biết cậu chủ mình trẻ tuổi non nớt, nghe người khác khen chỉ biết ngại chứ chẳng mấy tin, Vân Thăng bèn bảo: “Cậu cứ ngủ một lát đi, có gì cần làm thì cậu báo giờ cho tôi, tôi sẽ gọi cậu dậy.”

“Tôi không ngủ đâu, tôi phải đọc sách thêm lát nữa.”

Trên bàn uống trà có mấy cuốn sách, vài cuốn là sách giáo khoa tiếng Anh trên trường học, Vân Thăng không hiểu tiếng nước ngoài, nhưng anh ta biết cuốn sách nằm chếch bên mé, trên bìa ngoài có in dòng chữ Đoạn hồng linh nhạn ký (*), đây là cuốn tiểu thuyết đang rất thịnh hành, trông thì thấy quyển sách đã được lật giở rất nhiều lần rồi, trang giấy cũng hằn nếp gấp.

(*) Đoạn hồng linh nhạn ký: Tựa truyện của Đại sư Tô Mạn Thù, được biết đến với cái tên “Nhà sư vướng lụy” tại Việt Nam.

Cảnh Sâm dọn gọn sách giáo khoa trên bàn rồi đặt lên trên cuốn tiểu thuyết.

Vân Thăng nói: “Cậu cả phải học thì tôi không quấy rầy nữa, có chuyện gì cậu cứ gọi tôi nhé.”

Những ngón tay trắng trẻo thon dài của Cảnh Sâm căng thẳng mân mê góc bàn, anh gật đầu.

Vân Thăng cúi người chào Cảnh Sâm rồi bước khỏi phòng đọc sách, trước khi đi anh ta khẽ khàng khép cửa lại.

Tiếng đàn piano vang lên đứt quãng, thời gian từ từ vỡ vụn trong làn mưa rơi và tiếng dương cầm, ánh mắt chàng thiếu niên dần trở nên lạnh lẽo.

Phòng đọc sách là một tòa nhà được cất riêng ở phía nam dinh thự, nối liền lầu chính bằng một hành lang dài quanh co, chính giữa được ngăn bởi vườn hoa.

Tiết kinh trập vừa qua, những đóa diên vĩ mang sắc trắng xanh đan xen mới bung nở, có màn mưa tưới tắm, trông chúng lại càng đẹp đẽ thanh tươi. Nhưng thật ra vườn hoa này đẹp nhất là vào ngày hè, bốn bề phủ kín những giàn hoa hồng leo tươi mơn mởn, cạnh đài phun nước cũng lại có thêm một vườn hồng nữa, cứ đến chớm tháng Năm, hoa hồng sẽ đua nhau hé nở, chúng là những giống hồng được nhập từ Pháp về, có hồng phấn, đỏ đậm, tím phớt, vàng mượt, trắng muốt, đua nhau khoe sắc như ráng chiều sau mưa.

Mưa đã tạnh, đám người làm đang quét dọn nước đọng và mớ lá rụng dưới bậc thềm. Cảnh Sâm bước đi trên hành lang, anh thấy mấy bụi thường xuân ló ra từ đỉnh bệ hoa hồng, nhánh đã leo lên tới tận hàng gạch trắng của tòa lầu chính, anh gọi một người làm tới, dặn dò: “Cắt dây mây đi, cẩn thận chúng đâm vào đám hoa hồng làm hỏng mất hoa, rồi lại bẩn tường.”

Người làm nọ lấy dụng cụ cắt cành, Cảnh Sâm đứng nhìn họ cắt sạch đám dây leo rồi mới gật đầu: “Ừ, thế này được rồi, cha tôi ghét nhất là thấy đám cành lá bò đầy tường.”

Mọi người cùng tấm tắc: “Cậu cả chu đáo quá!”

Cảnh Sâm mỉm cười: “Chú Hà không có ở đây nên tôi để ý giúp chú, kẻo lúc chú về mọi người lại bị quở trách.”

Đám người làm cười bảo: “Cậu cả là người quan tâm tới chúng tôi nhất đấy!”

Anh là con trai trưởng dòng chính của nhà họ Phan.

Cuối Minh đầu Thanh, tổ tiên nhà họ Phan chỉ là một gia đình làm nông bình thường bên bờ biển Phúc Kiến, rồi có một năm gặp họa ngoài biển, cả nhà tán gia bại sản, không còn đường xoay xở, rồi lại gặp chiến loạn, nhà họ Phan đành chạy sang Quảng Đông, bắt đầu hành nghề buôn bán lặt vặt, nào đan chiếu rơm, bện thùng, bán hải sản. Người nhà họ Phan tính tình thận trọng, đầu óc lanh lẹ, có tài kinh doanh bẩm sinh, sau trăm năm, họ đã có một hiệu buôn nằm trong khu Chợ Mười Ba của Quảng Châu.

Chợ Mười Ba không chỉ là khu chợ gồm mười ba cửa hàng. Có người nói cái tên này lấy theo danh xưng cũ thời nhà Minh, lúc hưng thịnh nhất nơi đây có đến mười mấy cửa tiệm, khi suy bại chỉ còn sót lại bốn nhà, nhưng dù có gọi thế nào thì những hãng buôn trong Chợ Mười Ba cũng là những cửa hàng duy nhất được chính phủ Trung Quốc cho phép tiến hành giao thương với người nước ngoài vào thời bấy giờ.

Thời Càn Long, triều đình nhà Thanh khống chế việc buôn bán trong phạm vi mình tự cho là hợp lý. Để tránh việc người phương Tây tìm cớ gây sự, triều đình ban chỉ dụ, chỉ cho phép đất Quảng Châu được làm cảng giao dịch với nước ngoài, tất thảy hàng hóa từ các thành phố duyên hải đồ dồn hết về Quảng Châu, gần như mọi chuyến hàng được chuyển đi của các quốc gia trọng yếu trên thế giới chỉ có thể bắt đầu lưu hành từ đây, thông qua Chợ Mười Ba để rồi gửi đến các tỉnh trong đất liền. Từ đó, Chợ Mười Ba đã nắm lấy quyền ngoại thương của Trung Quốc suốt 85 năm.

Nhà họ Phan chen chân được vào Chợ Mười Ba trong thời kỳ hoàng kim của nó, khi ấy giới kinh doanh Quảng Châu đang nghênh đón một cơ hội phất lên làm giàu vô tiền khoáng hậu, họ lao vào xâu xé quyết chiến, các hiệu buôn có thực lực lũ lượt trổ hết tài năng. Hiệu buôn Phổ Huệ của nhà họ Phan gom được tương đối vốn liếng, bèn mua một vườn chè ở vùng quê Phúc Kiến, bắt đầu những thương vụ buôn bán lá chè nhỏ lẻ với thương nhân người Mỹ và Thụy Điển, từng bước tiến tới lũng đoạn tất cả những phi vụ giao thương lá chè với nước ngoài tại Quảng Châu, về sau, họ lại làm đại lý đường và tơ lụa cho một công ty Đông Ấn Độ. Nhưng sau chiến tranh thuốc phiện, Chợ Mười Ba chịu thiệt hại nặng nề, hầu hết các hiệu buôn đều phá sản vỡ nợ, hiệu Phổ Huệ cũng chẳng thể may mắn sống sót qua cơn sóng gió.

Cuối năm Quang Tự, cháu đích tôn nhà họ Phan, Phanh Thịnh Đường thừa kế việc làm ăn của gia tộc, nhân lúc giá đường cát tăng vọt, các quốc gia châu Âu lại buông lỏng kiểm soát đường ăn, nhu cầu đường ăn tăng cao, Phan Thịnh Đường liên tục thu mua bán lại, kiếm được một khoản tiền lớn, tạo bước ngoặt đổi đời cho nhà họ Phan.

Phan Cảnh Sâm là con trai người vợ đầu họ Vinh của Phan Thịnh Đường, lúc Cảnh Sâm bốn tuổi rưỡi, bà Vinh mắc bệnh rồi nhắm mắt xuôi tay. Phan Thịnh Đường vội vã trở lại Quảng Châu lo liệu hậu sự cho vợ, nhiều năm nay ông không thể chăm lo vợ chu đáo nên lòng đâm áy náy, từ đó bắt đầu ăn chay. Một năm sau, để tiện cho việc phát triển kinh doanh, Phan Thịnh Đường đưa theo Cảnh Sâm chuyển từ Quảng Châu tới Hán Khẩu.

Từ nhỏ Phan Cảnh Sâm đã thích đọc tạp thư, có lẽ đây là khuyết điểm duy nhất của Cảnh Sâm, vì lòng dạ anh không hướng về chuyện làm ăn, nhưng nhà họ Phan vốn là những người bỏ hết tâm huyết vào kinh doanh, đương nhiên họ sẽ không đồng ý. Cảnh Sâm từng đọc vô số những cuốn tiểu thuyết, anh nhớ có nhà văn người Pháp nọ từng nói một câu thế này:

“Sau lưng món của cải kếch xù của mỗi gia tộc là một tội ác trĩu nặng.”

Dù anh không nghĩ của cải anh có được từ gia tộc bắt nguồn từ thứ tài năng bịp bợm, cướp đoạt và đấu đá vượt trội hơn hẳn người thường, cái thứ tài năng mà thành viên nhà họ Phan bán linh hồn cho quỷ để đổi lại. Dẫu sao đó đều là bản tính của loài người, chúng tồn tại ở mảnh đất phồn hoa sầm uất, nhưng cũng lan khắp nơi xóm dân nghèo như một thứ dịch bệnh. Chỉ là câu nói ấy khiến anh luôn giữ thái độ cảnh giác và hời hợt với cái nơi gọi là nhà của mình.