Trước một ngày Đào Tam gia chuẩn bị tốt tiền giấy và tế phẩm cho ngày Thanh Minh.

Tế phẩm là màn thầu trân quý.
Đến ngày ông ta mang theo cả nhà già trẻ tới nghĩa địa trong thôn.
Nơi này rất lớn, phập phồng toàn mộ khiến người ta cảm thấy âm trầm.

Lưu thị ôm Nữu Nữu, Tam Bảo và Tứ Bảo nắm chặt tay cha mình.
Đào Tam gia đi đến trước một loạt mộ và nói: “Những nấm mồ này đều là tổ tiên của tam phòng.”
Ông ta duỗi tay gạt nhánh cây trên mồ, lại dùng liềm cắt sạch cỏ.

Trường Phú và Trường Quý cũng đi tới hỗ trợ, bọn họ dùng cuốc đắp lại những chỗ đất bị sụt xuống, lại khơi thông mương quanh mấy nấm mồ.

Có mấy bụi cỏ gai cũng bị bọn họ đào lên.
Đào Tam gia nói: “Nếu trên mộ mà có bụi gai thì con cháu sẽ bị mù mắt.”
Rất nhanh một loạt nấm mồ đã được sửa sang gọn gàng, bùn đất mới được đắp lên trên, thoạt nhìn mấy nấm mộ càng lớn hơn.

Đào Tam gia thấy thế thì vừa lòng nói: “Mồ càng lớn thì con cháu càng có bản lĩnh.”
Trong thôn lục tục có người già mang theo con cháu tới tảo mộ, người cũng ngày một nhiều.
Có vài người bắt đầu khóc thút thít, quỳ gối trước mộ nói chuyện với người thân đã qua đời, bọn nhỏ vốn bướng bỉnh lúc này cũng an tĩnh dập đầu.
Đào Tam gia đặt tiền giấy màu trắng trước mộ phần và đè cục đá lên sau đó dâng hương, xếp màn thầu làm tế phẩm.

Ông ta vừa đốt tiền giấy vừa nhắc về quá khứ, không khí ngày càng thương cảm.
Cuối cùng Đào Tam gia nghiêm trang dẫn theo con cháu dập đầu, cầu nguyện tổ tông phù hộ con cháu khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, thế đạo thái bình.
Đi tảo mộ xong Đào Tam gia dẫn theo con cháu đi tới chỗ ruộng nhà mình, vừa ngắm hoa màu vừa kể cho con cháu một ít chuyện của tổ tông còn lưu truyền lại.

“Ông nội, năm phòng trong thôn nhà chúng ta đều là thân thích ư?” Đại Bảo hỏi.
“Đương nhiên, chúng ta đều họ Đào, có cùng một tổ tông.” Đào Tam gia vừa hút thuốc vừa chậm rãi nói.
“Thế ông và Đại gia gia, Nhị gia gia, Tứ gia gia và Ngũ gia gia đều là anh em ruột ư?” Đại Bảo lại hỏi.
“Hô hô! Không phải.

Nói thật thì thứ tự này là do tuổi tác quyết định.

Lúc chúng ta còn nhỏ gặp phải nạn đói, rất nhiều người đều chết đói.

Sau đó lại có một vị Vương gia tạo phản, chiến loạn khắp nơi khiến người chết càng nhiều hơn.

Lúc ấy thôn của chúng ta chỉ còn lại một ít người.

Ông nội của Đào Đại gia khi ấy là tộc trưởng đã sắp xếp cuộc sống cho cô nhi quả phụ và những người già cả, bệnh tật còn may mắn sống sót.

Ông ấy phân chia rộng đất trong thôn, mang theo mọi người vượt qua những ngày gian khổ ấy.

Cuối cùng nhờ đó mà Đào gia thôn mới có năm phòng như bây giờ.”
Đại Bảo gật đầu nói, “Người khác đều nói Đào gia thôn chúng ta đoàn kết.

Ông nội nói xem có phải chỉ có đoàn kết mới có thể sống sót!”
“Đúng vậy, đoàn kết mới có thể sống sót!” Đào Tam gia âu yếm xoa đầu Đại Bảo.
Bọn họ chậm rãi đi dọc con đường nhỏ, hai bên là lúa mạch xanh non, còn có hoa đào và hoa lê nở ven đường.


Cỏ cây tốt tươi, hoa nở tưng bừng.
Lưu thị hái một bông hoa nhỏ màu hồng nhạt đưa cho Nữu Nữu.

Đứa nhỏ cẩn thận cầm đóa hoa, mắt miệng đều cong cong.
“Bà nội, chỗ này có nhiều rau dại và hành dại quá!” Nhị Bảo ngồi xổm xuống một chỗ và hô lên với Lý thị.
Lý thị cầm giỏ tre bước nhanh qua cùng Nhị Bảo ngắt rau dại, mấy đứa nhóc còn lại cũng đi qua giúp đỡ hái.
“Cái này đắng, phải chọn cái có rễ màu đỏ lúc làm rau trộn ăn mới ngon.” Lý thị giải thích với mấy đứa nhỏ.
Đào Tam gia ngừng bên cạnh một mảnh ruộng lúa mạch, “Đây là ruộng lúa mạch nhà ta.

Trời mà còn không mưa thì lại phải tưới nước cho lúa mạch non thôi.”
Trường Phú nói: “Ngày mai con và Trường Quý sẽ tới bờ sông gánh nước.”
“Ruộng lúa mạch cách bờ sông rất xa, gánh nước qua lại quá mệt.

Nếu Yển Đường có thể xả nước là tốt nhất nhưng lúc này trời hạn, chút nước trong Yển Đường còn phải tiết kiệm để cấy lúa nước.” Đào tam gia phun một hơi thuốc và thở dài nói: “Aizzz! Tưới nhiều nước hơn nữa cũng kém một trận mưa của ông trời!”
“Cha, một ngày không tưới xong thì chúng ta tưới hai ngày, rồi ba ngày, đường xa cũng không có gì, con và Trường Quý có rất nhiều sức lực.” Trường Phú nói.
Đào Tam gia không nói gì mà mang theo con cháu tiếp tục đi trên con đường nhỏ.

Trong chốc lát bọn họ lại đi tới ruộng lúa nước của nhà mình.

Ông ta cẩn thận kiểm tra bờ ruộng phát hiện không bị rò nước mới vừa lòng gật đầu.
“Bà nội, bờ ruộng nhiều rau diếp cá quá nè.” Nhị Bảo lại vui vẻ hô lên.

Đống lá non màu đỏ tím mọc ra từ bùn đất tỏa mùi tanh nhẹ.

“Nhị Bảo, mau tới đây, năm nay không đào cái đó được.” Lý thị vẫy tay với hắn.
“Vì sao? Bà nội, mỗi năm chúng ta đều đào mà!” Nhị Bảo hỏi.
“Năm nay trời khô hạn, ruộng lúa cần được ngâm nước, nếu đào rau diếp cá sẽ khiến bờ ruộng bị hư hại, nước rò ra mất thì sẽ không thể cấy mạ!” Đào Tam gia vừa giải thích vừa dắt Nhị Bảo đi.
Nhị Bảo gật gật đầu, nhớ tới việc trước kia mình đào rau diếp cá mà làm sụp bờ ruộng nhà người khác.

Người kia tìm tới tận nhà mắng, hắn thì ăn một trận thịt trúc còn cha hắn phải đi sửa bờ ruộng cho người ta!
Chờ đến khi về nhà trong giỏ tre của Lý thị đã đầy các loại rau dại.
Trường Quý đi tới chân núi chém cây trúc, róc sạch lá và cành con sau đó buộc liềm ở một đầu và mang theo tụi nhỏ đi cắt hương xuân.
Hương xuân màu hồng, màu xanh lớn lên ở trên cao, chỉ cần Trường Quý giơ cây gậy trúc là có thể dễ dàng cắt được.

Hắn lo lắng dây thừng lỏng khiến lưỡi liềm rơi xuống bọn nhỏ nên để cả đám đứng ở xa, không được đi ở bên dưới nhặt mầm hương xuân.
Lúc Trường Quý cảm thấy đã hái được hòm hòm mới thu gậy trúc lại và gọi bọn nhỏ tới nhặt.

Đại Bảo mang theo mấy đứa em cùng một con mèo và một con chó vọt tới.

Động vật vốn mẫn cảm với mùi hương, Đại Hoa chịu không nổi cái mùi này nên dùng móng vuốt cào vài cái sau đó bỏ chạy.

Hoàng Hoàng ngửi ngửi đống rau rồi kêu gâu gâu gâu.

Nó cũng không chịu được cái mùi này nhưng vì tiểu chủ nhân nên nó vẫn kiên trì ngồi tại chỗ, dùng hai chân trước bịt kín mũi.
Bữa tối hôm ấy đúng là tiệc rau dại.
Rau hương xuân được rửa sạch cắt nhỏ, quấy với bột ngô làm thành bánh và rán lên.

Hành dại và đám rau khác thì làm rau trộn, đương nhiên nếu có rau diếp cá thì rau trộn này sẽ ngon hơn.
Mầm hương xuân bọc trứng gà rán lên ăn rất ngon, nhưng như thế quá phí dầu thế nên Lý thị chỉ xào hương xuân với trứng gà.

Ngoài ra còn có cháo ngũ cốc.
Trên bàn cơm Lý thị gắp cho Tứ Bảo một đũa trứng gà xào và cười hỏi: “Tứ Bảo, trứng gà xào ăn ngon không?”

Tứ Bảo bỏ trứng gà vào miệng sau đó dùng tay che miệng, vừa nhai vừa nhìn Lý thị đầy cảnh giác.
“Úi thằng chó con của bà! Ha ha, mau ăn đi!” Lý thị lại gắp cho hắn một đũa nữa.
Lúc này Tứ Bảo mới yên tâm ăn cơm.
Nữu Nữu thì vui vẻ ăn trứng chưng đặc biệt làm cho mình.

Một cái trứng gà đánh tan thêm nước thêm muối chưng lên vừa mềm vừa trơn.

Lưu thị đút trứng gà xào hương xuân nhưng nàng chỉ lắc đầu không ăn và nghiêm túc nói: “Nữu Nữu có trứng chưng.”
Trương thị thấy Nữu Nữu quá đáng yêu thế là không nhịn được duỗi tay nhéo cái mông đứa nhỏ.
Nữu Nữu ngậm cái thìa trong miệng sau đó quay đầu nhìn Trương thị nửa ngày mới nói: “Nhị thẩm phải rửa tay.”
Lưu thị che miệng để không phì cháo ra ngoài còn Trương thị thì trực tiếp cười ha ha: “Đúng là con quỷ nhỏ, được, nhị thẩm đi rửa tay.”
Ăn xong cơm chiều cả nhà tắm rửa rồi đi ngủ.
Nữu Nữu muốn cùng ngủ một giường với các anh và Lưu thị đồng ý thế là bọn nhỏ hoan hô vang dội.

Ba đứa nhỏ cởi áo ngoài chui trong ổ chăn chơi, ngươi véo mặt ta, ta sờ tóc ngươi, rồi ngươi lại véo mũi nhỏ của ta còn ta cào chân ngươi.
“Được rồi, đừng náo loạn nữa, nếu còn không ngủ con cú ra bây giờ!” Lưu thị quen dùng thủ đoạn này nhưng nó chỉ có tác dụng với Nữu Nữu.

Đứa nhỏ nghe xong sợ tới mức không dám động, nàng dựa gần anh trai, rúc ở giữa thành một đống nho nhỏ.
“Nữu Nữu đừng sợ, con cú mà ra thì ca ca sẽ đánh nó chạy mất dép!”
“Vâng.” Nữu Nữu được anh trai bảo đảm thì an tâm chậm rãi ngủ.
Lưu thị chờ bọn nhỏ đều ngủ mới rời đi.

Về tới phòng nàng cũng cởi áo ngoài nằm lên giường muốn thương lượng với Trường Phú chuyện làm thêm cái giường.

Nàng duỗi tay đẩy đẩy Trường Phú ở bên cạnh nhưng lại khiến hắn hiểu lầm.
Lưu thị nhéo hắn mắng: “Ta muốn nói chuyện nghiêm túc, bọn nhỏ ngày một lớn hơn nên ta muốn làm thêm cái giường nữa.”
Trường Phú gật đầu đồng ý và đương nhiên cũng không quên việc của mình..