Lý thị cùng tiểu Lý thị thu dọn xong quà đáp lễ mới thu xếp đi làm cơm trưa.
Đại Bảo cùng Đào Tam gia nói tới chuyện trở về trấn trên thế là ông ấy nói: “Con cũng dọn dẹp một chút, hai vợ chồng con và Nhị Bảo cùng nhau đi đi!”
Nhị Bảo chỉ nhìn Đại Bảo một cái nhưng không nói gì, chỉ có Tam Bảo và Tứ Bảo là hơi giật mình.

Bọn họ nhìn Đào Tam gia lại nhìn nhìn Đại Bảo nhưng cuối cùng cũng không lên tiếng.
Lúc cơm trưa Lý thị biết Đại Bảo và Phan thị sắp lên trấn trên ở thì thái độ cũng không quá kịch liệt.

Cứ để hai vợ chồng son ở gần thì ít mà xa thì nhiều thế này cũng không phải cách.

Hơn nữa bà quá muốn ôm chắt trai nên đã sớm có ý này chẳng qua Đào Tam gia chưa lên tiếng thì bà cũng không thể nói gì.

Lý thị đã ngầm khuyên chồng nhiều lần, hiện giờ ông ấy thông suốt thì bà cũng yên tâm để vợ chồng Đại Bảo lên trấn trên.
Sáng sớm hôm sau Nhị Bảo đánh xe, Đại Bảo ngồi bên cạnh còn Phan thị thì ngồi trong xe phía sau cùng đi lên trấn trên.
Cháu đích tôn và vợ đều đi khiến Đào Tam gia không vui.

Dù chính miệng ông nói ra nhưng bầu không khí trong nhà vẫn quạnh quẽ nhiều.
Tam Bảo không chịu nổi cảnh ấy nên vẫn luôn ồn ào nói nếu còn như thế này thì hắn sẽ mang vợ tới Ân gia ở.

Đào Tam gia tức quá cầm tẩu thuốc đuổi đánh hắn vài vòng.

Lúc trước Tam Bảo muốn chọc ông nội vui vẻ nên luôn cố ý dừng lại để ông ấy đuổi theo đánh vài cái, vừa thuận khí lại tiêu tan bực dọc.


Nhưng lần này hắn không ngừng, Đào Tam gia đương nhiên không đánh được hắn nên chỉ phải ngừng bước thở dốc.

Tam Bảo đứng ở rất xa đắc ý reo lên: “Ông nội không đuổi theo nữa à? Cháu mang ông chạy vài vòng coi như giãn gân cốt, nhìn ông cả ngày ưu sầu thật sự quá khó coi, cháu cũng không chịu nổi!”
Đào Tam gia thở hổn hển mắng: “Con khỉ kia, chẳng biết lớn nhỏ gì! Cứ chờ đấy, ông mà bắt được thì sẽ vặt trụi lông bây!”
Tam Bảo kiêu ngạo đắc ý: “Ông đừng khoác lác, ông mau đuổi theo cháu đi! Cháu đang ngứa khắp người đây này, chỉ chờ ông tới giúp cháu nhổ lông!”
Đào Tam gia vung vẩy tẩu thuốc chỉ vào mặt Tam Bảo mắng: “Cái thằng ranh con……”
Tứ Bảo vừa đứng vừa cười: “Ông nội, cháu giúp ông mắng nhé để ông còn thở.” Nói xong hắn lấy nhánh cây giả làm tẩu thuốc và học bộ dạng Đào Tam gia rồi mắng: “Cái thằng ranh con kia! Con khỉ hoang kia! Bây cứ chờ đó! Ông mà bắt được sẽ rút sạch lông cho bây thành kẻ trọc đầu!”
“Ông mau đuổi theo cháu đây này!” Tứ Bảo cũng vào hùa với anh hắn.
Tam Bảo và Tứ Bảo như hai thằng hề trên sân khấu, Đào Tam gia bị tụi nó chọc cho vừa tức vừa buồn cười.

Ông cũng nghĩ và biết con cháu hiếu thảo vì thế cũng lười đuổi theo mà tới sân sau dắt con lừa ra ngoài tản bộ.
Lý thị mang theo con dâu và cháu dâu ngồi trong sân làm việc của mình.

Mấy cô cháu dâu thì bận thêu hoa làm giày, con dâu bà thì khâu vá còn Lý thị đã lớn tuổi mắt không tốt nữa nên chẳng làm nổi việc kim chỉ.

Bà chỉ vui tươi hớn hở nhìn Tam Bảo và Tứ Bảo pha trò khiến Đào Tam gia phải dắt lừa ra ngoài đi chơi.
Lý thị cười nói: “Tam Bảo đúng là con khỉ hoang, cứ vài ngày lại chọc ông nội hắn cười! Thật là con quỷ tinh quái!”
Lưu thị cũng hùa theo: “Còn không phải thế sao! Mỗi hắn là mặt dày nhất!”
Ân thị cười hì hì: “Cháu cảm thấy chàng khá tốt, cả ngày đều vui vẻ, không hề buồn chán!”
Lưu thị cười: “Con thấy hắn tốt là được rồi.”
Trương thị ở bên cạnh nói: “Nương, chuyện hôn sự của Tứ Bảo ngài cũng phải lo lắng một chút, tuổi hắn cũng không nhỏ nữa.”
Tứ Bảo nhỏ hơn Đại Bảo 4 tuổi, năm nay đã 17, sang năm là 18, đúng tuổi làm mai đón dâu tốt.


Năm trước ba thằng anh hắn đồng thời đón dâu, chỉ có mỗi hắn chưa có đối tượng thích hợp.

Năm nay Lý thị nhọc lòng chuyện chắt trai, hơn nữa tháng sáu Nữu Nữu cũng xuất giá vì thế bà cũng quên mất đứa cháu này.

Hiện tại nghe Trương thị nói thế bà lập tức sốt ruột: “Ai u, xem ta này, cả ngày nghĩ cái gì không biết, cứ thế chậm trễ chuyện của Tứ Bảo.

Để ta ra ngoài một chuyến, tìm mấy người chị em trong thôn để bọn họ giúp đỡ hỏi thăm xem!”
Lý thị nói là làm, vừa nói xong đã đứng dậy đi ra ngoài.
Tam Bảo lập tức nháy mắt với Tứ Bảo ý là: Nhìn đi! Bà nội đi tìm vợ cho đệ kìa!
Cái mặt đen màu lúa mạch của Tứ Bảo lập tức hơi đỏ lên.

Nhưng chỉ tưng ấy không đủ để Tam Bảo nhận ra.

Tứ Bảo lập tức kéo anh hắn tới một góc sân và tàn nhẫn nói: “Huynh im ngay, đừng có nói linh tinh!”
Tam Bảo giãy giụa kháng nghị: “Mới vừa rồi đệ không nghe thấy à? Ta còn nghe rõ ràng kia kìa!”
Tứ Bảo dùng sức siết cánh tay kiềm chế Tam Bảo và nói: “Đệ bảo huynh đừng nói linh tinh thì huynh nên nghe lời, chứ con tôm chân mềm như huynh không phải đối thủ của đệ đâu!”
Tam Bảo bị uy hiếp thì hơi cáu, nhưng hắn không khỏe bằng tên kia, giãy vài cái cũng không thoát được.

Cuối cùng hắn đành phải nhận cái danh tôm chân mềm và làm bộ xin tha: “Tứ đệ tốt, mau buông tay! Tam ca không nói là được chứ gì?”
Tứ Bảo hiểu tính Tam Bảo nhất vì thế hắn căn bản không buông tay mà phải uy hiếp cộng đe dọa một hồi mới chịu thả tay ra.
Tam Bảo điều chỉnh tư thế một chút sau đó đột nhiên nhảy lên ôm lấy Tứ Bảo kêu quang quác: “Ta chính là kẻ thù dai nhất, ta phải báo thù ngay!”
Ai biết Tứ Bảo cũng đang đề phòng vì thế hai người lại vặn thành một cục.


Nhưng lúc này Tam Bảo đâu phải đối thủ của Tứ Bảo, vì thế rất nhanh hắn đã rơi vào thế hạ phong.

Tứ Bảo cười hê hê nói: “Đây là khác biệt giữa người đã thành thân và chưa thành thân!”
Tam Bảo bực bội, không chịu thua thế là cũng vặn thành một cục với tên kia.

Có điều hắn đánh trận nào thua trận đó, càng thua lại càng muốn đánh!
Vợ chồng Đào thị lúc này về nhà mẹ đẻ chơi.

Nàng cười tủm tỉm đứng ở cửa nhà xem hai thằng anh đánh nhau sau đó nói với chồng: “Tướng công, ta vừa về nhà mẹ đẻ đã có tuồng để xem, không tồi chứ?!”
Ân Tu Trúc nhếch khóe miệng và gật đầu nói: “Nàng vẫn nên đứng xa một chút, đề phòng hai con khỉ kia đánh lại đây!” Nói xong hắn đỡ vợ mình đi tới chỗ Lưu thị ở bên kia.
Lưu thị thấy con gái và con rể tới thì đương nhiên là vui vẻ.

Ân thị cũng vui vẻ mang ghế ra cho bọn họ ngồi.

Tam Bảo và Tứ Bảo thấy em gái và em rể tới thì cũng không giỡn nữa mà thò tới kéo Ân Tu Trúc cùng đi chơi cờ.
Lưu thị đỡ con gái tới ngồi cạnh mình và nói: “Con đang mang thai thì đừng đi lại nhiều, có việc gì đứng ở sườn núi gọi một tiếng là được!”
Đào thị làm nũng nói: “Nương, con nhớ ngài mà!”
Nghe thấy con gái nói thế lòng Lưu thị lập tức mềm như nước, miệng cười không khép được sau đó lôi kéo Đào thị hỏi: “Ngủ thế nào? Ăn uống thì sao? Có muốn ăn gì thì nói với nương nhé!”
Đào thị cười nói: “Con rất tốt, không có gì không ổn.

Mấy ngày hôm trước tướng công mua hai con ngỗng nhỏ cả người toàn là lông tơ vàng mềm mượt nhìn cực kỳ đáng yêu! Nương, không phải ngài nói sẽ cho con ít gà ư? Sao còn chưa thấy?!”
Lưu thị nói: “Con đang có thai còn nuôi gà gì nữa, cả ngày chỉ băm cỏ cho tụi nó ăn đã đủ mệt rồi! Chờ con sinh đứa nhỏ xong lại nói, nếu con muốn ăn trứng gà thì nương sẽ mang qua cho.”
Đào thị đáp: “Trong nhà vẫn còn nhiều trứng lắm, chờ con ăn hết rồi lại xin.”
Tiểu Ngọc Nhi thò qua hỏi: “Đại tỷ tỷ, hai con ngỗng nhỏ nhà tỷ được nuôi ở đâu? Mà ngỗng phải trắng chứ? Sao lại có lông màu vàng?”
Đào thị nói: “Vốn ta định nhờ ông nội đan cho cái rào trúc rồi nuôi mấy con ngỗng ở sau núi nhưng ta thấy tụi nó nhỏ quá, tạm thời nuôi ở sân sau cũng được.


Anh rể muội dùng hòn đá cuội dựng một vòng tròn nhỏ để tụi nó ở trong đó.

Chờ mấy con ngỗng lớn hơn sẽ mọc ra lông trắng và biến thành ngỗng trắng như muội vẫn hay thấy!”
“Sao không thả tụi nó vào Yển Đường hoặc vào trong sông cũng được!” Tiểu Ngọc Nhi đề nghị.

Tuy Đào Tam gia không nuôi ngỗng và vịt nhưng trong thôn vẫn có người nuôi.

Có vài người muốn bớt việc nên thích thả đám vịt và ngỗng tới Yển Đường, như thế vừa không sợ mất lại đỡ công, chỉ cần tới tối lùa về là xong.

Có vài nhà nhiều người còn cắt cử hẳn một người đi theo thả đám vịt và ngỗng đó ra sông, chỉ cần tụi nó không bơi quá xa thì dùng chút lương thực dụ tụi nó về nhà vào cuối ngày cũng ổn.
Trương thị cười và nói với con gái: “Chị gái con đang mang thai nên không tiện làm thế.

Nàng làm gì có sức đi canh mấy con ngỗng, trên núi lại có suối nguồn, nguồn nước dồi dào nên nuôi ngỗng ở nhà cũng tiện!”
Tiểu Ngọc Nhi nghĩ nghĩ và hiểu ra rồi cười với Đào thị: “Hì hì, đại tỷ tỷ, chờ ngỗng nhà tỷ lớn lên thì để muội mang chúng nó tới Yển Đường đi.

Lúc mùa hè để Tam ca và Tứ ca mang tụi nó đi bơi ở sông!”
Đào thị gật đầu còn Trương thị thì cười nói: “Yển Đường còn được, dù sao cũng nhỏ, nhưng nếu thả ra sông thì nói không chừng tụi nó sẽ bơi tới nơi khác ấy chứ!”
“Ơ thế thì phải làm sao? Nương, không phải có người vẫn thả ngỗng ở sông à?” Tiểu Ngọc Nhi khó hiểu hỏi.
“Nhưng phải có người ở trên bờ canh, không được cho tụi nó bơi xa.

Hơn nữa, người nuôi ngỗng còn phải thường xuyên cho ngỗng ăn, tụi nó cũng hiểu tiếng người nên khi ấy chỉ cần chủ gọi hai tiếng rồi dùng lương thực dụ là tụi nó sẽ ngoan ngoãn lên bờ.” Trương thị giải thích.
Tiểu Ngọc Nhi cảm thấy mẹ mình thật là siêu, cái gì cũng biết thế là lập tức sùng bái nhìn Trương thị.

Trương thị thấy thế thì đắc ý nói: “Trước kia ông ngoại con từng nuôi ngỗng, lúc cậu con đi chăn ngỗng ta cũng đi theo nhìn.”.