"Tên?"

“Trần… Trần Khả Ý.” Trần Khả Ý nắm chặt cốc nước trong tay, cứ như có thể lấy được chút can đảm trong hơi nóng phát ra từ chiếc cốc.

"Đừng căng thẳng, uống chút nước trước đi. Chúng tôi đã thông báo cho người nhà của cô rồi, họ sẽ tới ngay." Chu Dịch Khởi cười trấn an, sau đó nghiêm túc nói: "Hai ngày trước người nhà của cô đã báo cảnh sát là cô mất tích, ngày đó cô đã đi đâu?"

Trần Khả Ý nhìn cảnh sát đang đặt câu hỏi trước mặt, trong đầu đột nhiên không đúng lúc hiện lên bốn chữ "Akutagawa Jiro" (*). Anh có đôi mắt hạnh nhưng mí mắt hơi rũ xuống, khóe mắt cụp xuống dưới cho người ta cảm giác anh vẫn còn chưa tỉnh ngủ, hoàn toàn không phù hợp với hình tượng cảnh sát nhân dân.

(*) Akutagawa Jiro (Nguyên văn là Giới Xuyên Từ Lang), một thành viên của Câu lạc bộ quần vợt trong bộ Hoàng tử tennis.

“Nói đúng ra là có lẽ ngày 13 đó tôi đã gặp chuyện không may. Một tuần trước, tôi thấy một tổ chức trail walking (*) thông báo đêm 13 sẽ leo Đỉnh Bắc (**). Gần đây tôi mới nghỉ việc, ở nhà cũng không vận động nên mới muốn tham gia vận động một chút cũng không tệ." Nói đến đây, Trần Khả Ý cười khổ: "Kết quả là khoảng cách giữa hiện thực và tưởng tượng quá lớn, tôi đi được mấy bước đã không thở nổi nữa, nửa nghỉ nửa đi đằng sau đoàn khá xa, cũng không biết bị tách ra khỏi đoàn từ lúc nào."

(*) Trailwalking: Là hoạt động đi bộ đường dài do các tổ chức từ thiện tổ chức để công chúng tự nguyện tham gia.

(**) Đỉnh Bắc cao 1614 mét so với mực nước biển và là một trong những đỉnh chính của núi Hoa Sơn, được đặt tên theo vị trí ở phía bắc.

Nói xong Trần Khả Ý uống một ngụm nước, dừng lại, rồi như nhớ lại cảnh tượng tồi tệ nào đó, giọng điệu hơi run rẩy nói tiếp: “Lúc đó tôi mệt mỏi đến mức đầu óc mụ mị, hoàn toàn không phát hiện xung quanh đã chẳng còn ai. Khi tôi nhận ra điều đó, tôi vẫn tương đối tỉnh táo, không hy vọng sẽ bị lạc đường trong núi hay chuyện gì khác. Bây giờ tín hiệu trên núi rất tốt, tôi muốn lấy điện thoại ra tra định vị, ai ngờ vừa mới lấy ra thì nghe thấy phía sau có tiếng bước chân truyền đến, sau đó tôi mất ý thức."

Không đợi Chu Dịch Khởi đặt câu hỏi, Trần Khả Ý lập tức lảng tránh hỏi: "Người nhà tôi phát hiện tôi mất tích thế nào? Bọn họ không ở đây, chúng tôi cũng không có thói quen trò chuyện mỗi ngày, một thời gian dài không trả lời tin nhắn Wechat cũng là chuyện thường xảy ra. Nghe anh vừa nói thì ngày thứ hai bọn họ đã báo cảnh sát."

Chu Dịch Khởi nghe thế thì nhíu mày, nhìn cô gái trước mặt này, tuy vấn đề này khá kỳ lạ nhưng anh vẫn trả lời.

"Chiều tối hôm đó mẹ cô phát hiện số đếm bước chân trên Wechat của cô là 0, không trả lời tin nhắn Wechat, cũng không nghe điện thoại. Bà ấy tưởng cô ốm, ngất xỉu rồi nên bảo em trai cô đến nhà cô tìm cô. Kết quả là đến gõ cửa nhưng không thấy ai trả lời, tìm người cạy khóa thì phát hiện cô không có ở nhà, điện thoại vẫn ở trạng thái không ai nghe máy nên lập tức báo cảnh sát."

Trần Khả Ý nghe xong thì mỉm cười, lẩm bẩm một câu: "Ồ, ra là vậy." Giọng nói khá nhỏ, giống như đang tự trả lời mình hơn.

"Khụ khụ, cô tới báo cảnh sát là cô bị bắt cóc, vậy cô có biết là ai làm không?"

"Tôi không biết. Lúc đó tôi không cảm thấy có gì khác thường ngoại trừ tiếng bước chân từ phía sau tiến đến. Sau khi tỉnh lại, mắt tôi bị bịt kín, không thấy ai cả, nghe tiếng thì là một người đàn ông." Nói xong lời này, Trần Khả Ý lại uống thêm một ngụm nước, hơi nhíu mày rồi nói với Chu Dịch Khởi: "Anh cảnh sát, anh có thể cho tôi thêm chút nước nóng không?"

“Tiểu Mã, rót cho cô ấy một cốc nữa.” Một cảnh sát khác trẻ hơn lập tức đứng dậy, đi ra ngoài lấy cốc nước rồi quay lại: “Cẩn thận nóng.”

"Vâng, cảm ơn!" Trần Khả Ý lại dán tay lên đó như thể cốc nước này là thứ cho cô cảm giác an toàn nhất trong căn phòng này.

Trần Khả Ý chậm rãi nói tiếp: "Nhưng tôi đoán người này có thể liên quan đến bài viết mà tôi đã viết trước đây. Sau khi trói tôi lại, anh ta yêu cầu tôi kể lại câu chuyện thời cấp hai của tôi. Tôi và các bạn học hồi cấp hai đã không gặp nhau mười năm trời rồi. Điều tôi nghĩ có liên quan đến chuyện đó chính là gần đây tôi đã viết một bài về bạo lực học đường, thời gian ấy bài viết này đã lên hot search. Tôi không dám chắc có phải vì cái đó mà anh ta đến tìm tôi hay không."

Chu Dịch Khởi lập tức nắm được trọng điểm: "Bạo lực học đường? Bài viết đó tên gì?"

"Bạn có đang là một phần tử bạo lực học đường?"

"Tiểu Mã, đi tra thử xem, rồi in ra mang đến cho tôi."

“Được.” Cảnh sát tên Tiểu Mã lại chạy ra ngoài, chốc lát sau thì cầm một xấp giấy quay lại.

"Đội trưởng, anh xem!"

Chu Dịch Khởi nhìn lướt qua thật nhanh.

[Vừa xem xong "Cái bóng trong khu dạy học", trong lòng có phần tức giận, vừa định gõ bàn phím - Tại sao lại có mấy người thích thú trên nỗi đau của người khác như Vương Tinh Tinh (*) chứ? Tại sao lại có mấy người làm chuyện xấu mà vẫn cười tươi chứ? Bản tính của những người này thật xấu xa. Tôi đã sẵn sàng đứng trên đỉnh cao của đạo đức và lên án những đứa trẻ hư hỏng trong bộ phim, nhưng không hiểu sao một số hình ảnh thuở thiếu thời lại ùa về trong tâm trí tôi. Khi tôi nhìn lại tuổi trẻ của mình, tôi chợt phát hiện tôi đã từng là một đứa bé hư.

(*) Tác giả để là Vương Nhiên nhưng theo logic thì chỗ này là Vương Tinh Tinh mới đúng nên mình sửa lại thành Vương Tinh Tinh nhé.

Hiện tại tôi hơi do dự với những dòng chữ vừa rồi, tôi sợ nói ra lời này sẽ có người hỏi ngược lại tôi, khi bạn còn bé chưa từng làm chuyện gì xấu sao? Mặc dù sự thật có thể là tôi hoàn toàn không thấy đoạn văn này, không bấm like, cũng không bình luận, nhưng tôi không thể nào ngang nhiên nói ra như một số người trong khu bình luận rằng "Khi còn bé tôi chưa bao giờ bắt nạt người khác, người xem việc bắt nạt người khác như thú vui là một người nhân phẩm có vấn đề.”.

Tôi đã từng bị bắt nạt, cũng đã từng bắt nạt người khác, tôi đã từng bàng quan, cũng đã từng tham dự vào đó.

Hồi tiểu học chúng tôi mới bắt đầu học vi tính, tài nguyên có hạn nên đành chia hai học sinh dùng chung một máy. Tôi dùng chung với một bạn nam, mà suốt cả một học kỳ, tôi không được đụng đến chuột và bàn phím. Lúc đó tôi cảm thấy bị bắt nạt là một chuyện vô cùng mất mặt, không thể mách giáo viên, cũng không thể kể cho bố mẹ nghe. Mà bây giờ tôi có thể sẽ nổi điên lên đánh vào đầu chó của bạn nam kia.

Ừm, tôi không thể đồng cảm với bản thân mình năm mười tuổi ấy.

Cũng có một đoạn thời gian, tôi rất thích dùng bút bi vẽ lên áo của bạn học ngồi phía trước. Đúng vậy, chính là kiểu hành vi xấu mà hiện tại nhìn thấy tôi sẽ tự bóp cổ mình. Giờ đây tôi chỉ có thể nhớ thật rõ chuyện này, nhưng không thể nhớ tâm trạng của mình khi làm chuyện ấy. Lúc đó tôi có vui vẻ hay không?

Ừm, tôi cũng không hiểu nổi bản thân mình năm mười ba tuổi ấy.

Có lẽ tôi năm mười ba tuổi cũng chẳng hiểu được tôi năm mười tuổi.

Bạn học ngồi đằng trước chưa từng trách giận gì tôi, cũng không bảo tôi dừng những hành vi như vậy lại. Tôi không biết việc cậu ấy không nói gì cả có như tôi đã nghĩ khi gặp chuyện trong lớp vi tính trước đây hay không.

Mãi cho đến một ngày, nhà trường tổ chức hoạt động tổng vệ sinh đường phố tặng túi bảo vệ môi trường, tôi đã gặp mẹ cậu ấy.

Quê tôi ở nông thôn, nhà cửa đều san sát nhau, mỗi nhà một căn, chứ không phải dạng nhà to cao cấp như trong thành phố. Con đường kia được coi là con phố buôn bán duy nhất trong thôn, người dân có thể mua thức ăn, quần áo... Ban ngày người dân trong thôn rất thích tụ tập tán gẫu trên đường cái.

Lúc đó tôi đưa túi bảo vệ môi trường cho mẹ cậu ấy, bà ấy kéo tay tôi nói: "XX, sau này đừng lấy bút bi vẽ lên áo BB nữa nhé." Giọng điệu không có ý trách cứ, thậm chí còn cực kỳ dịu dàng, tôi ấp úng không nói nên một câu "Dạ, cháu xin lỗi", mặt nghẹn đến đỏ bừng.

Nhiệt độ trên mặt thiêu đốt tâm hồn tôi, dấu vết dù đã qua mười mấy năm, nhưng giờ chạm vào vẫn cảm thấy nóng rực thiêu đốt như trước.

Bây giờ nghĩ lại, lúc đó tôi cảm thấy thẹn. Cảm giác thẹn này khiến tôi nhớ mãi cảnh tượng ngay lúc đó dẫu đã bao năm trôi qua.

Nhưng bây giờ tôi không thể hiểu nổi tại sao vào thời điểm đó tôi lại chọn làm như vậy. Khi lên đại học, tôi không thể không mắng mình ngốc khi đọc lại những gì tôi đã viết thời trung học. Bây giờ nhìn vào vòng bạn bè hồi đại học tôi cũng sẽ bĩu môi chê trẻ ranh.

Khi còn nhỏ, chúng ta luôn bày ra đủ thứ trò đùa mà chúng ta cho là vô hại, nhưng lại không biết người bị đùa đang cười, đang khóc, đang bi thương hay đang đau đớn.

Có người giả danh người khác, viết thư tình cho đối tượng mình thầm thương trộm mến, dùng lời bài hát để viết ra lời dối trá.

“Nếu buồn quá, hãy để anh che chở trái tim em; anh sẽ đánh đuổi mọi khói lửa mệt mỏi cho em.

Những lời hoa mỹ chỉ tô điểm thêm tình cảm anh; nếu anh im lặng là vì anh yêu em thật lòng.

Nắm tay em, đi theo anh, dù gió mưa có lớn đến đâu thì có anh rồi em sẽ không bao giờ lạc lối nữa.” [1, Lời bài hát Mưa Sao Băng]

Có người cười nhạo ngoại hình của người khác, cũng có người lén bàn tán sau lưng những thị phi của giáo viên.

Khi lớn lên, chúng ta dường như cũng thích nói giỡn, chỉ là trái tim đã trải qua quá nhiều thứ, biết cách đối mặt với những điều đó. Đương nhiên cũng có những chuyện không thể nào đối mặt được.

Tôi nghĩ bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở ngoài mặt, mà hơn thế nữa nó là một con dao ẩn giấu dưới vẻ bình thản. Mà người làm ra những hành vi bạo lực này có thể không ý thức được bản thân mình đang làm gì, có thể những biệt danh bạn cho là thú vị sẽ để lại dấu vết sâu đậm trong cuộc đời của một số người.

Gần đây tin tức thanh thiếu niên phạm tội nhiều vô kể, chúng ta chỉ trích người dùng bạo lực, chúng ta cân nhắc mức hình phạt, nhưng lại quên mất mình đã từng làm gì ở thời kỳ đó, trong bầu không khí đó, có thể đó chỉ là chuyện vặt vãnh trong ý thức của chúng ta.

Là một người trưởng thành đã trải qua những năm tháng ấy, tôi muốn nói với các bạn trẻ như chúng tôi đã từng, khi bạn đau khổ, hãy tìm và kể cho một người bạn tin tưởng, có khả năng giúp bạn giải quyết vấn đề. Bây giờ việc ngăn cản hành vi này không chỉ đang bảo vệ chính bạn mà còn đang bảo vệ người ấy, biết đâu khi trở thành cứu tinh của người khác sẽ càng tiếp thêm can đảm cho bạn.]

Chu Dịch Khởi nhìn những dòng chữ đen trong tay như đang kể lại quá khứ của cô gái trước mặt: "Lượt xem rất cao, những chuyện bên trong đều là thật à?"

"Anh có thể cho rằng tất cả đều là sự thật, nhưng khi anh viết một thứ gì đó, anh sẽ luôn vô thức phóng đại nó lên. Anh có thể hiểu đó là quá trình xử lý nghệ thuật." Trần Khả Ý nháy mắt với Chu Dịch Khởi, cứ như muốn thống nhất nhận thức nghệ thuật với đối phương.

"Khụ khụ, vậy cô xem nội dung trong này, cái nào có liên quan đến người bắt cóc cô."

"Tôi không biết, những chuyện này đã xảy ra từ rất lâu rồi. Hơn nữa tôi nghĩ loại chuyện này đều đã từng hoặc là vẫn đang diễn ra ở tất cả các trường tiểu học, trung học lớn nhỏ trên cả nước."

"Vậy tại sao vừa rồi cô lại nói nó có liên quan đến bài viết này?"

"Ừm ~ có thể nói là trực giác không? Trực giác của phụ nữ." Càng trò chuyện, Trần Khả Ý càng thoải mái hơn, cô không còn cầm chặt cốc nước nữa, mà cũng thả lỏng vai dựa vào ghế.

Chu Dịch Khởi không có ý kiến gì với trạng thái của Trần Khả Ý, nhưng nghiêm túc nói: "Phá án không có trực giác, chỉ có bằng chứng. Chúng ta nói tiếp về nơi cô bị trói ba ngày nay nhé, cô có ấn tượng gì không?"

"Nơi đó rất yên tĩnh, giống như không có ai ở vậy. Không có tiếng xe cộ hay tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng nước chảy róc rách, nghe rất bực bội. Ban đêm, có thể nghe thấy tiếng ván gỗ kẽo kẹt, tiếng chuột kêu chít chít và tiếng chạy qua lại của nó. Cái nơi quỷ quái đó..." Trần Khả Ý nói xong, bất giác rùng mình, cứ như chỉ cần nhớ lại cảnh tượng đó thôi cũng đã làm cô ghê tởm và sợ hãi.

Chu Dịch Khởi an ủi: "Được rồi, không cần căng thẳng, bây giờ cô đã bình an vô sự. Chúng ta nhớ lại từ đầu nhé, sau khi cô tỉnh lại đã xảy ra chuyện gì?"

Trần Khả Ý hít một hơi, nheo mắt nhớ lại: "Ừm, khi tôi tỉnh lại thì đã là ban ngày, mặc dù bị bịt mắt nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút ánh sáng chiếu vào, hơn nữa còn có tiếng chim hót, nên tôi đoán là buổi sáng. Tôi nghe có người đẩy cửa đi vào..."