- Không, em cũng đang tìm nó đây. Mèo nâu, vằn như lông cọp, chóp đuôi hợi quặp, đúng không? 
Cô ta rút trong túi quần ra một gói Hope rồi châm một điếu. Rít vài hơi xong, cô nhìn thẳng vào tôi mà nói: 
- Dạo gần đây anh có rụng tóc một chút phải không? 
Tay tôi bất giác đưa lên vuốt phía sau đầu. 
- Không phải ở đó, đồ ngốc. Tóc đằng trước kia mà. Anh có nhận thấy là nó mọc cao hơn bình thường một ít không? 
- Anh chả thấy gì cả. 
- Em thì có. Anh sẽ bị hói ở chỗ đó đấy. Tóc trên trán anh ngày càng lùi lên cao hơn, như thế này này. - Cô túm một nắm tóc của trán mình mà kéo ngược ra sau rồi chìa cái trán trần trụi ra trước mặt tôi. - Anh phải để ý đấy. 
Tôi sờ vào tóc trước trán mình. Có lẽ cô ta nói đúng. Có thể tóc đã lùi lên phía trên một chút. Hay tôi chỉ tưởng tượng ra thế? Lại thêm chuyện để lo đây. 
- Ý em là sao? Để ý nghĩa là thế nào? 
- Thật ra có để ý cũng không làm gì được. Chẳng có cách nào ngăn được chứng hói. Những ai mà số trời đã bắt phải hói thì đến lúc là hói thôi. Chẳng cách nào ngăn được. Người ta nói có thể ngừa được chứng hói bằng cách dưỡng tóc này nọ, nhưng toàn vớ vẩn thôi. Anh đi mà xem mấy gã cầu bơ cầu bất ngủ ngoài ra Shinjuku ấy: thằng nào thằng nấy tóc thôi là tóc, có đứa nào hói đâu. Anh tưởng là ngày nào chúng cũng gội đầu bằng Clinique hay Vidal Sassoon hoặc xức tóc bằng Lotion X chắc? Đó là bọn sản xuất mỹ phẩm nói để moi tiền anh thôi. 
Lời của cô gây cho tôi ấn tượng mạnh. 
- Chắc em nói đúng. Nhưng sao em biết nhiều về chuyện hói thế? 
- Lâu nay em vẫn làm bán thời gian ột công ty tóc giả mà. Anh biết đó, em không đi học nên có ối thời gian rảnh. Em đi điều tra, lấy ý kiến khách hàng, những việc kiểu như thế. Thành thử em biết hết về quý ông hói. Em nạp đầy ắp thông tin rồi còn gì. 

- Chà! 
- Nhưng anh biết không, - cô vừa nói vừa buông mẩu đầu thuốc xuống đất rồi dí chân lên, - ở công ty em làm việc ấy, người ta cấm mình gọi bất cứ ai là "hói". Phải gọi là "người đang có chứng thưa tóc". "Hói" là một từ có tính phân biệt đối xử. Có lần em đùa, đề nghị gọi là "quý ông có cái đầu đang bị hoang hóa", ấy thế mà họ nổi trận lôi đình, trời ạ! "Chả có gì đáng đùa ở đây, cô bé ạ", họ nói. Chao, sao mà họ nghiêêêm trọọọng thế. Anh có thấy không? Thế giới này ai người ta cũng nghiêm trọng đến chết đi được. 
Tôi móc kẹo chanh ra khỏi túi, ném một viên vào mồm, đưa một viên khác cho Kasahara May. Cô lắc đầu và lại rút ra một điếu thuốc. 
- Nghe này Chim vặn dây cót, - cô nói. - Anh đang thất nghiệp. Chưa tìm được việc nào à? 
- Vẫn chưa. 
- Anh thực sự muốn có việc làm đàng hoàng chứ? 
- Có chứ, - lời nói thốt khỏi mồm, tôi lại tự hỏi có thật là vậy không. - Thực ra anh không biết. Chắc anh cần thêm thời gian. Thời gian đề suy nghĩ. Chính anh cũng không biết mình cần gì. Điều đó khó giải thích. 
Kasahara May vừa nhằn móng tay vừa nhìn tôi một hồi. 
- Này Chim vặn dây cót, em bảo. Hôm nào đấy anh đi làm với em đi. Ở công ty tóc giả ấy. Lương họ trả không cao, nhưng công việc nhàn hạ, với lại giờ giấc làm việc do tự mình thu xếp. Anh bảo thế nào? Đừng cả nghĩ làm gì, cứ thử xem. Gọi là thay đổi không khí. Biết đâu nó lại chẳng giúp anh suy xét được sáng suốt về mọi chuyện khác. 
Cô ta có lý. 
- Em có lý, - tôi nói. 
- Hay lắm! - cô nói. - lần sau em đi, em sẽ đón anh đi cùng. Nhà anh ở đâu? 

- Chà, khó nhỉ. Mà cũng chẳng khó. Em chỉ cần đi dọc theo ngõ, rẽ mấy lần, cho đến khi thấy ở bên trái có một cái nhà mà trong sân sau có một chiếc Honda Civic màu đỏ. Trên thanh hãm xung của xe có miếng băng dính ghi hàng chữ "Hòa bình ọi người trên trái đất". Nhà anh ở ngay kế bên, nhưng không có cổng mở ra ngõ. Chỉ có một bức tường bê tông, em sẽ phải trèo qua. tường cũng thấp, cỡ ngang cằm anh thôi. 
- Đừng lo, tường cỡ ấy thì em trèo qua được. 
- Chân em còn đau không? 
Cô phà ra một bụm khói thuốc, lẫn theo một tiếng thở dài. 
- Anh đừng lo. Chả sao cả. Em đi cà nhắc mỗi khi có mặt bố mẹ vì em không muốn đi học. Em giả vờ ấy mà. Nhưng riết thành quen. Em đi cà nhắc ngay cả khi xung quanh chả có ai, chỉ một mình trong phòng. Em là kẻ cầu toàn mà. Người ta có câu gì ấy nhỉ, "Lừa mình trước rổi hẵng lừa người". Này Chim vặn dây cót, anh có gan không? 
- Không nhiều lắm. 
- Chẳng bao giờ có gan cả à? 
- Không, anh chưa bao giờ là kẻ có gan cả. Mà cũng chẳng muốn mình khác đi. 
- Thế còn tò mò? 
- Tò mò là chuyện khác. Anh thì có hơi tò mò đấy. 
- Anh không nghĩ rằng có gan và tò mò có cái giống nhau à? Có gan thì cũng tò mò, tò mò thì cũng có gan. Không đúng sao? 
- Hừm, cũng có thể là giống nhau. Chắc em có lý. Có thể đôi khi tò mò và có gan lại nhập vào nhau làm một. 

- Chẳng hạn như khi anh lén vào sân nhà người khác ấy. 
- Ừ, kiểu như thế, - tôi vừa nói vừa đảo viên kẹo chanh trên lưỡi. - Khi lẻn vào sân nhà người khác, dường như mình vừa có sự tò mò vừa có cái gan. Đôi khi cái tò mò đẩy cái gan ra khỏi chỗ nấp, thậm chí còn thúc sau lưng buộc cái gan phải chạy. Nhưng cái tò mò thường chóng qua, cái gan thì còn lại lâu. Cái tò mò cũng giống như người bạn vui tính nhưng ta không tin tưởng hoàn toàn được. Nó làm ta thức tỉnh, hưng phấn, rồi lại bỏ ta đi, mặc ta hành động một mình, khi đó ta phải vận hết cái gan có ở trong ta. 
Cô ta ngẫm nghĩ về điều đó một lúc. 
- Cũng có thể. Đó là một cách nhìn, - cô nói. - này Chim vặn dây cót, anh có muốn thấy cái giếng không? 
- Giếng á? - tôi hỏi. - Giếng nào nhỉ? 
- Ở đây có một cái giếng cạn. Em thích nó. Ở mức độ nào đó. Anh muốn xem không? 
Chúng tôi băng qua sân, đi về phía bên kia căn nhà. Đó lá một cái giếng tròn, đường kính khoảng một mét rưỡi, đậy vừa khít bằng một cái nắp tròn bằng gỗ dày. Có hai tảng bê tông dằn lên nắp giếng giữ cho nó không xê dịch. Thành giếng cao chừng một mét, bên cạnh là một cây già đơn độc, như gã lính canh. Đó là một loại cây ăn trái, nhưng tôi không biết tên. 
Cũng như hầu hết những gì gắn liền với căn nhà này, cái giếng trông như đã bị bỏ hoang từ lâu lắm. Nó toát lên một cái gì đó có thể gọi là "sự vô cảm tuyệt đối". Có cảm giác như chỉ cần ta rời mắt khỏi khung cảnh này, lập tức những vật vô tri sẽ càng vô tri hơn nữa. 
Xem xét kỹ, tôi nhận ra rằng thật ra cái giếng này xưa hơn nhiều so với các vật xung quanh. Hẳn nó đã được đào từ lâu trước khi người ta xây căn nhà này. Ngay cả cái nắp gỗ trông cũng rất cũ xưa. Thành giếng được phủ một lớp bê tông dày, chắc hẳn là để gia cố ột công trình xây trước đó đã lâu. Cái cây bên cạnh giếng dường như muốn khoe rằng nó đã có mặt ở đó từ xa xưa hơn nhiều so với bất cứ cái cây nào khác ở nơi này. 
Tôi đặt một trong hai tảng bê tông xuống đất rồi nhấc một trong hai nửa nắp giếng hình bán nguyệt ra. Tì tay lên thành giếng, tôi khom người nhìn xuống, nhưng chẳng thấy gì dưới đáy. Có thể thấy giếng khá sâu, nửa dưới giếng chìm trong bóng tối. Tôi thử ngửi - nghe thoang thoảng mùi rêu. 
- Không có tí nước nào đâu, - Kasahara May nói. 
Giếng không nước. Chim không bay. Ngõ không lối ra. Và... 
May nhặt một mẩu gạch trên mặt đất rồi ném xuống giếng. Một hồi sau nghe có tiếng động nhỏ, khô khan. Không gì hơn. Âm thanh đục, khô không khốc, dường như có thễ bóp vụn trong bàn tay. Tôi thẳng người lên nhìn Kasahara May. 
- Tại sao giếng không có nước nhỉ? Nó tự cạn đi à? Hay ai đó đã lấp lại? 

Cô ta nhún vai. 
- Nếu lấp lại thì phải lấp cho đến tận miệng chứ. Ai lại để nguyên một cái hố sâu hoắm thế kia. Nguy hiểm lắm, nhỡ ai ngã vào thì chỉ có chết. Đúng không? 
- Chắc em nói đúng. Có cái gì đó đã làm giếng bị cạn đi. 
Bỗng tôi nhớ lại lời ông Honda đã từ lâu lắm. "Nếu đã phải đi lên thì hãy tìm nhọn tháp cao nhất mà trèo lên tới đỉnh. Nếu đã phải đi xuống thì hãy tìm cái giếng sâu nhất mà tụt xuống tận đáy". Hóa ra tôi đã tìm thấy giếng đây rồi. 
Tôi lại cúi mình trên thành giếng nhìn xuống bóng tối bên dưới., chờ đợi một cái gì không rõ. Tôi nghĩ: vậy là ở một nơi như thế này, lại có một bóng tối sâu hun hút thế kia. Tôi húng hắng ho rồi nuốt. Tôi có cảm giác tiếng ho vọng lại từ bóng tối kia nghe như của người nào khác chứ không phải tôi. Nước bọt của tôi vẫn đượm mùi kẹo chanh.
° ° °
Tôi đậy nắp giếng lại rồi đặt tảng bê tông đè lên. Rồi tôi nhìn đồng hồ. Gần 11 giờ rưỡi. Đã đến lúc về gọi cho Kumiko trong giờ nghỉ ăn trưa. 
- Anh phải về nhà đây, - tôi nói. 
Kasahara khẽ cau mày. 
- Thế thì đi ngay đi, Chim vặn dây cót. Bay về nhà đi, - cô nói. 
Lúc tôi băng qua sân, con chim đá vẫn đang nhìn trời bằng cặp mắt khô queo. Bầu trời vẫn phủ một lớp mây dày xám xịt, không có khe hở nào cho ánh nắng lọt qua, nhưng ít nhất mưa đã tạnh. Kasahara ngắt một búi cỏ ném lên trời. Vì không có gió cuốn đi nên những nhánh cỏ lại rơi lả tả dưới chân cô. 
- Từ giờ cho đến khi mặt trời lặn còn bao nhiêu là thì giờ nữa nhỉ, - cô nói mà không nhìn tôi. 
- Ừ, còn nhiều, - tôi nói.