17
"Phòng chỉnh lý"

Người kế tục

Nhục đậu khấu chẳng biết gì về những người phụ nữ hay lui tới chỗ bà. Chẳng ai cho Nhục đậu khấu biết thông tin về bản thân mình, mà bà cũng chẳng bao giờ hỏi. Những cái tên mà quý bà kia dùng để đăng ký cuộc hẹn rõ ràng là tên giả hết. Thế nhưng bao quanh họ là cái hơi hướm đặc biệt kết hợp giữa tiền bạc và quyền lực. Quý bà này chẳng bao giờ tự phô cái đó ra, song nhìn phong thái và cách ăn mặc của họ, Nhục đậu khấu cũng biết rằng họ thuộc tầng lớp thượng lưu. 
Bà thuê địa điểm trong một cao ốc văn phòng ở khu Akasaka - một tòa nhà chẳng có gì nổi bật ở một nơi chẳng có gì nổi bật, để làm yên lòng quý bà vốn luôn lo ngay ngáy sao cho đừng ai dòm ngó đến đời tư của họ. Sau khi thận trọng cân nhắc, bà quyết định bố trí chỗ này như một xưởng thiết kế thời trang. Mà thật, trước kia Nhục đậu khấu vốn là nhà thiết kế thời trang, thành thử chẳng ai sẽ thấy khả nghi nếu có các quý bà thuộc nhiều giới khác nhau lui tới chỗ bà. Khách hàng của bà đều trong độ tuổi ba mươi, bốn mươi. Nhục đậu khấu chất đầy vải vóc, mẫu thiết kế và tạp chí thời trang vào căn phòng, lại thêm dụng cụ, bàn vẽ và vài con manơcanh mà thiết kế thời trang luôn cần tới, thậm chí bà còn thiết kế vài bộ thật, để bên ngoài nhìn vào càng thấy đáng tin hơn. Căn phòng nhỏ hơn trong hai phòng được bà bố trí thành phòng chỉnh lý. Khách hàng của bà thường được đưa vào phòng chỉnh lý, và họ sẽ ngồi lên sofa để được Nhục đậu khấu "chỉnh lý". 
Danh sách khách hàng của Nhục đậu khấu được lập bởi bà vợ của ông chủ một cửa hàng bách hóa lớn. Bà ta đã lựa chọn từ trong số bạn bè đông đảo của mình một số rất hạn chế những ứng viên đáng tin cậy. Bà ta tin chắc rằng, để tránh mọi khả năng gây tai tiếng om sòm, cần phải biến nhóm này thành một câu lạc bộ có thành phần đặc tuyển. Nếu không thì tin tức về các cuộc sắp đặt thế này chắc chắn sẽ tràn lan nhanh chóng. Những quý bà được chọn làm thành viên đều được cảnh báo không bao giờ được tiết lộ cho người ngoài về những lần "chỉnh lý" của mình. Quý bà này không chỉ là những người rất có tư cách, mà họ còn biết rằng nếu nuốt lời hứa họ sẽ bị khai trừ vĩnh viễn khỏi câu lạc bộ. 

Mỗi khách hàng sẽ gọi điện thoại để đăng ký giờ "chỉnh lý" và đến đúng giờ đã hẹn, biết rằng mình không phải ngại chạm trán bất cứ thành viên nào khác và có thể yên tâm rằng mọi hành tung của mình đều được giữ kín. Thù lao được trả ngay tại chỗ, bằng tiền mặt, bao nhiêu là do vợ ông chủ cửa hàng bách hóa ấn định, song luôn ở mức cao hơn Nhục đậu khấu tưởng nhiều. Tuy nhiên chẳng phải vì thù lao như thế mà người ta ít đến hơn. Bất cứ quý bà nào từng được Nhục đậu khấu "chỉnh lý" đều sẽ hẹn thêm lần nữa, không có ngoại lệ. "Bà đừng để tiền bạc trở thành gánh nặng ình", vợ ông chủ cửa hàng bách hóa từng giải thích với Nhục đậu khấu. "Càng trả cao thì các bà ấy càng yên tâm". Nhục đậu khấu đến "văn phòng" một tuần ba lần, mỗi ngày "chỉnh lý" một lần. Bà chỉ làm đến thế là hết mức. 
Quế trở thành trợ lý ẹ từ khi cậu tròn mười sáu tuổi. Ở thời điểm đó Nhục đậu khấu đã bắt đầu thấy khó tự mình đảm đương mọi công việc hành chính lặt vặt, song thuê một kẻ hoàn toàn xa lạ thì bà không muốn. Cuối cùng, sau khi đã đắn đo rất dữ, bà mới đề nghị con trai giúp một tay, cậu đồng ý ngay lập tức mà thậm chí không hề hỏi xem mẹ đang làm thứ việc gì. Ngày nào cũng vậy, cậu đến văn phòng lúc 10 giờ sáng bằng taxi (cậu không chịu nổi nếu phải đụng chạm với người khác trên xe buýt hay xe điện ngầm), lau chùi, quét bụi, sắp xếp lại đồ đạc đâu vào đó, thay hoa mới vào bình, pha cà phê, mua sắm các thứ cần thiết, cho băng nhạc cổ điển vào máy cassette rồi vặn âm lượng nhỏ, và ghi sổ sách. 
Chẳng bao lâu Quế đã trở thành một nhân vật không thể thiếu ở văn phòng. Dẫu là hôm có khách hay không, cậu luôn luôn vận ple, thắt cà vạt đoạn ngồi vào vị trí của mình ở bàn đón khách. Không một vị khách nào than phiền chuyện cậu không nói được. Họ chẳng thấy bất tiện chút nào về chuyện đó, thậm chí còn thích là đằng khác. Cậu chính là người nhận cuộc gọi mỗi khi họ muốn hẹn giờ. Họ cho cậu biết họ muốn đến vào ngày ấy, giờ ấy, cậu sẽ gõ lên bàn để đáp lại: một tiếng là "không", hai tiếng là "vâng". Quý bà thích kiểu vắn tắt ấy. Cậu là một trang thanh niên với những nét hoàn hảo đến mức có thể tạc thành tượng, trưng trong viện bảo tàng, và khác với nhiều thanh niên bảnh trai khác, cậu không bao giờ làm hỏng hình ảnh của mình khi mở miệng. Các bà thường trò chuyện với cậu khi đến hoặc khi đi, và cậu thường đáp lại bằng một nụ cười và một cái gật đầu. Những cuộc "trò chuyện" đó làm họ thấy nhẹ nhõm hơn, làm vơi đi nỗi căng thẳng mà họ mang từ thế giới bên ngoài vào đây, cũng làm họ thấy đỡ phần lúng túng sau khi được "chỉnh lý". Bản thân Quế cũng vậy, cậu thường không ưa giao tiếp với người lạ, song lại tỏ ra không hề khó chịu khi tiếp xúc với quý bà này. 
Năm mười tám tuổi Quế lấy được bằng lái. Nhục đậu khấu đã tìm được một thầy dạy lái xe tử tế để dạy riêng cho cậu, nhưng Quế đã mua sách tự học tất cả những gì cần học về lái xe rồi. Cậu chỉ cần biết thêm những kỹ năng thực hành mà sách không dạy được, và kỹ năng đó chỉ cần ngồi sau tay lái vài hôm là cậu nắm vững ngay. Có bằng lái rồi, cậu bắt đầu lùng khắp các tạp chí về ô tô cũ đặng mua một chiếc Porsche Carrera bằng toàn bộ số tiền cậu dành dụm được nhờ làm việc ẹ (số tiền đó cậu không hề phải chi tiêu vào sinh hoạt hàng ngày). Cậu đánh bóng động cơ đến sáng choang lên, cậu đặt mua các bộ phận mới qua bưu điện, lắp lốp xe mới, nói chung là nâng cấp chiếc ô tô lên tiêu chuẩn xe đua. Tuy nhiên, sau đó thì cậu vẫn chỉ ngày ngày lái chiếc ô tô đó trên con đường ngắn ngủn đông nghẹt từ nhà cậu ở Hiroo đến văn phòng ở Akasaka với vận tốc hiếm khi trên sáu mươi cây số một giờ. Do vậy chiếc Porsche 911 của cậu là một trong những chiếc hiếm hoi kiểu đó trên thế giới.

° ° °
Nhục đậu khấu tiếp tục làm công việc của mình suốt hơn bảy năm, trong thời gian đó bà để mất ba khách hàng: người thứ nhất chết trong một tai nạn xe hơi, người thứ hai bị "khai trừ vĩnh viễn" vì một sai phạm nhỏ nào đó, người thứ ba thì "đi xa" do chồng thay đổi việc làm. Thay cho những người đó là bốn khách hàng mới, tất cả đều thuộc loại quý bà trung niên hấp dẫn mặc quần áo đắt tiền và dùng toàn biệt danh. Bản thân công việc của Nhục đậu khấu không hề thay đổi trong suốt bảy năm. Bà vẫn tiếp tục "chỉnh lý" cho các khách hàng. Quế tiếp tục lau chùi dọn dẹp văn phòng, ghi sổ sách và lái chiếc Porsche. Tiến triển cũng không, thụt lùi cũng không, chỉ có những người trong cuộc thì thêm tuổi. Nhục đậu khấu sắp bước sang tuổi năm mươi, Quế thì tròn hai mươi. Quế dường như thích công việc của mình, nhưng Nhục đậu khấu dần dần bị cảm giác bất lực xâm chiếm. Hết năm này sang năm khác bà tiếp tục "chỉnh lý" "cái gì đó" kia mà mỗi khách hàng đều mang bên trong mình. Bà chẳng bao giờ hiểu được chính xác mình đang làm gì cho họ, nhưng bà vẫn tiếp tục làm hết sức mình. Tuy nhiên, bà không bao giờ chữa dứt được những "cái gì đó" này. Bà chẳng thể nào xóa sạch được hoàn toàn "cái đó", toàn bộ năng lực chữa trị của bà chỉ làm được mỗi việc là giảm thiểu hoạt động của chúng trong một thời gian. Chỉ trong ít ngày (thường từ ba đến mười ngày), mỗi "cái gì đó" ấy sẽ lại hoạt động, khi tiến khi lùi song về lâu dài thì ngày một lớn ra, ngày một mạnh lên như tế bào ung thư, không thể nào ngăn được. Nhục đậu khấu cảm thấy những cái đó trưởng thành lên trong tay mình. Chúng như nói với bà: Mụ chỉ tổ phí thì giờ vô ích thôi. Dù mụ có làm gì đi nữa thì rốt cuộc bọn ta vẫn thắng. Và chúng có lý. Bà chẳng có mảy may hy vọng thắng. Bà chỉ làm được mỗi một việc là trì hoãn bước tiến của chúng sao cho khách hàng của bà có được dăm ngày bình yên. 
Nhục đậu khấu thường tự hỏi: "Có phải chỉ các bà này không? Có phải tất cả phụ nữ trên thế giới này đều mang "cái gì đó" này ở bên trong nhục thể mình không? Mà tại sao tất cả các bà đến đây đều trong lứa tuổi trung niên? Liệu chính mình cũng có một "cái gì đó" ở bên trong mình không?". 
Tuy nhiên Nhục đậu khấu không thiết tha lắm đến việc tìm lời đáp cho những câu hỏi đó. Bà chỉ biết chắc một điều là mọi tình huống hình như đã trùng hợp thế nào đó để bà phải bị trói buộc vào căn phòng chỉnh lý này. Người ta cần bà, và chừng nào người ta còn cần bà, bà không thể ra đi được. Đôi khi cảm giác bất lực của bà sâu thẳm và khủng khiếp đến nỗi bà có cảm giác mình như cái vỏ rỗng bị vứt đi. Bà đang kiệt dần đi, đang biến dần vào bóng tối hư vô. Vào những lúc như vậy, bà thường bộc bạch tâm hồn với cậu con trai trầm lặng của mình, và Quế thường chăm chú lắng nghe từng lời của mẹ, thỉnh thoảng lại gật đầu. Cậu chẳng bao giờ nói năng gì, nhưng nói chuyện với cậu như thế này bà cảm thấy bình tâm kỳ lạ. Bà cảm thấy mình không hoàn toàn cô độc, không hoàn toàn bất lực. Lạ thật, bà nghĩ: Mình chữa cho người khác, Quế chữa ình. Thế còn ai chữa cho Quế? Phải chăng nó là một lỗ đen, tự nó thu hút mọi nỗi đau và nỗi cô đơn? Có lần - mà cũng chỉ một lần ấy thôi - bà thử tìm tòi bên trong cậu con trai bằng cách đặt tay lên trán cậu như bà vẫn làm với khách hàng những khi "chỉnh lý" cho họ. Nhưng bà không cảm thấy gì cả. 

Chẳng mấy chốc Nhục đậu khấu cảm thấy muốn thôi không làm việc này nữa. "Mình chẳng còn lại bao nhiêu sức lực. Nếu cứ thế này, mình sẽ tự thiêu cháy mình đến hết. Mình sẽ chẳng còn lại gì nữa." Nhưng người ta vẫn rất cần đến khả năng "chỉnh lý" của bà. Bà không thể tự cho phép mình bỏ rơi khách hàng chỉ vì ý muốn cá nhân. 
Đến mùa hè năm sau, Nhục đậu khấu tìm được người kế tục. Ngay khi nhìn thấy vết bầm trên má chàng thanh niên đang ngồi trước một tòa nhà ở khu Shinjuku, bà đã biết.