Về sau đúng thật là Mao Đầu đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện xưa rất rất dài hơi.

Bởi vì cái câu chuyện xưa này so với những câu chuyện tình yêu truyền kỳ mà tôi đã từng đọc trong sách, càng thêm phần chân thực, càng thêm phần duy mỹ, và càng thêm phần bi thương hơn hết thảy.

Cho nên cho tới bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất kỹ từng câu từng chữ mà Mao Đầu đã kể, cùng với khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ ùa về trong tâm trí tôi lúc đó.

Mao Đầu nói, họ gốc của ông là họ Bạch, cùng một chữ độc nhất là chữ Thần.

Tên của ông là Bạch Thần, vào cuối thời dân quốc ở vùng Tây Hồ mưa bụi mịt mù liễu yếu dao rơi, ông là con trai độc nhất của một gia tộc chuyên làm trà giàu có thời đó, đến năm 20 tuổi, cha mẹ đều lần lượt qua đời, ông nghiễm nhiên trở thành đương gia của trà trang (trang trại trà).
Trà trang vào thời điểm ấy, nhờ vào vị trí địa lý, giao lưu quốc tế thậm chí nhờ vào chiến tranh mà có rất nhiều ưu thế, tại Trung Quốc đang rung chuyển lúc bấy giờ, giao thương buôn bán vốn đã ổn định, về sau thậm chí lại càng phát đạt hơn.
Nơi đó các vườn trà phụ cận chuyên sản xuất loại trà Phổ Nhị, các cô nương có xuất thân bần hàn đều muốn ra ngoài kiếm tiền, mà nơi ổn thỏa nhất chính là đi làm người hái trà cho trà trang của gia đình Bạch Thần.
Quách Ngọc Lan chính là một trong những hái trà nữ tại đó.
Bạch Thần và Quách Ngọc Lan đã gặp nhau ngay chính trên vùng núi đồi ngát hương trà.

Lúc đó Quách Ngọc Lan là con gái của một thợ săn già, trong nhà có một đứa em trai còn phải đi đọc sách, cuộc sống gian nan, và cũng như một điều vô cùng dĩ nhiên, Quách Ngọc Lan xin vào Bạch gia làm hái trà nữ.
Thời điểm đó trên đầu của mấy hái trà nữ đều phải quấn một chiếc khăn màu xám để tránh phải phơi mặt ra nắng quá lâu, Quách Ngọc Lan cũng vậy.

Cái hôm họ gặp nhau, bà mặc một thân áo váy bằng vải thô màu xanh lam, đứng ở dưới ánh mặt trời tựa như cùng một đóa hoa anh túc mảnh mai lại kiên cường, hái những đọt trà non từ phần đầu lá nhọn, nhanh nhẹn bỏ vào trong giỏ xách trên tay.
Bạch Thần hôm đó mặc một thân áo choàng dài màu nâu nhạt với hoa văn sẫm màu, dạo bước trong vườn trà thăm dò tình trạng lá trà.

Khi ngẩng đầu, trên đầu của các cô nương đều buộc một cái khăn màu xám, liếc qua liếc lại, cũng không có gì khác biệt.
Ông gặp phải Quách Ngọc Lan, không khỏi nghi ngờ vì lúc đi ngang qua, ông đã ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng của hoa anh đào tỏa ra từ cơ thể của bà.

Đó là một loại hương thơm có thể khiến người ta hồn khiên mộng nhiễu, làm cho người ta vừa ngửi được liền không khỏi ngừng bước vì nó.

Mà đặc biệt là nó có thể làm cho người ta cảm thấy hết thảy mọi thứ đều là vận mệnh an bài, là bởi vì, hương thơm vương vấn trên người Quách Ngọc Lan vốn không nồng nặc, nhưng chỉ có một mình Bạch Thần mới có thể ngửi được.
Trời quang gió mát, ông dừng chân rất lâu phía sau lưng bà, rốt cục vẫn nhịn không được, đi ra phía trước hỏi một câu, "Cô tên là gì?"
Cái đầu buộc khăn của Quách Ngọc Lan có chút nghiêng sang, xuyên thấu qua lớp vải xám, một đôi mắt trìu mến chớp chớp, toát lên khí chất nhu tình của vùng sông nước Giang Nam, giọng nói như ngọc bàn được rửa qua nước trong, khiến người ta phải khao khát, "Quách Ngọc Lan."

Bạch Thần nghe ra được trong thanh âm của bà có sự khiếp nhược, thế là ông cũng rất hào phóng nở một nụ cười, "Tốt, tiếp tục công việc đi." Bạch Thần nói xong, quay người liền rời đi.
Từ đó về sau, Bạch Thần tìm người nghe ngóng gia thế của Quách Ngọc Lan, biết bà là con gái của một vị thợ săn trong thôn, trong nhà có một người em trai còn đang đọc sách, và ông cũng biết bà chưa có hôn phối.
Thế là, Bạch Thần lúc này hạ sính lễ, ba ngày sau, đem Quách Ngọc Lan nở mày nở mặt cưới trở về nhà.
Tuy nhiên, vào thời đại lúc đấy, Quách Ngọc Lan và Bạch Thần, chính là một ví dụ điển hình của một cặp đôi không môn đăng hộ đối.

Các lão trưởng tộc cật lực phản đối, để làm dịu sự phẫn nộ các trưởng lão, Bạch Thần chỉ có thể nói với họ là ông lấy Quách Ngọc Lan về nhà làm thiếp.
Trong đêm tân hôn, ông xốc khăn đỏ của cô dâu lên, đó cũng là lần đầu tiên ông thật sự nhìn rõ ràng gương mặt của Quách Ngọc Lan.

Quả thật là gương mặt của bà mềm mại tựa dòng nước chảy vào tâm khảm của người khác, khiến cho ai nhìn vào cũng không khỏi sinh lòng trìu mến.

Bạch Thần vuốt ve gương mặt của Quách Ngọc Lan, cẩn thận từng li từng tí hôn lên gương mặt nhu tình kia.
Sau khi cưới, hai vợ chồng sinh hoạt rất hài hòa, Quách Ngọc Lan hiền thục tài giỏi, từ việc trong đến việc ngoài bà đều được xem như một vị phu nhân chính thức của Bạch gia.

Về sau, trưởng lão trong tộc cũng không can thiệp vào chuyện cưới chính phòng cho Bạch Thần.

Về sau chiến tranh kháng Nhật nổ ra, Thượng Hải và Chiết Giang cũng bắt đầu rung chuyển hỗn mang, trong thành thị mỗi ngày đều tràn ngập những tiếng hô Phụ trương phụ trương! (1) liên quan tới tiền tuyến, Bạch Thần cảm thấy tình hình trong nước không yên ổn nữa, liền cho người em của Quách Ngọc Lan sang nước ngoài du học, còn cha mẹ của Quách Ngọc Lan thì đã qua đời ngay trong năm đấy.
(1) Phụ trương - 号外: đây là một cách rao báo của những người bán báo thời đấy, ý chỉ tuần này có số báo đặc biệt hoặc có phụ san đặc biệt, nhằm đưa tin về những vấn đề nóng hay những sự kiện thời sự lớn đang diễn ra trong xã hội.
Cha mẹ đều đã qua đời, Bạch Thần cảm thấy mình và vợ cũng không còn ràng buộc gì với cái địa phương này nữa.

Cho nên, với khí phách của một người trẻ thức thời, Bạch Thần liền dứt khoát bán đi nghề làm trà tổ truyền đổi thành tiền mặt.

Một mình ông mang theo mấy gia đinh cùng Quách Ngọc Lan đang mang thai đến nội địa tiếp giáp Hà Bắc và Bắc Kinh, bắt đầu lại cuộc sống yên ổn, cũng như, trốn tránh khỏi thời thế loạn lạc.
Mười năm kháng chiến vội vàng thoảng qua, cuộc sống Bạch Thần và Quách Ngọc Lan trở nên an ổn hơn, vượt qua những năm tháng gian nan, tình cảm giữa hai người cũng như một bình trà xanh, càng ngày càng đậm.

Tuy nhiên, bởi vì về sau quốc gia hỗn loạn, Bạch Thần bị đấu tố là phần tử tiêu cực, xém chút nữa còn bị ghép cho cái tội phản cách mạng, toàn bộ gia tài phải nộp lên trên, cuộc sống cũng bắt đầu nghèo khó.
Về sau đất nước yên ổn, Bạch Thần và Quách Ngọc Lan cũng đã trung niên, con của bọn họ thì lớn lên tại đất nước cờ đỏ, cũng coi như căn chính Miêu Hồng (2).

Người em trai của Quách Ngọc Lan trước kia được đưa ra ngoại quốc du học cũng thành tài trở về, lại giúp đỡ đưa đứa con trai Bạch Tiến của Bạch Thần và Quách Ngọc Lan ra nước ngoài du học.

(2) Căn chính Miêu Hồng - 根红苗正: Đây là một từ dùng chỉ những gia đình có nền tảng tốt trong thời kỳ cách mạng văn hóa tại Trung Quốc, chẳng hạn như gia đình công nhân, nông dân nghèo và trung bình thấp, hoặc con cái của quân nhân.

Cái gọi là "Miêu Hồng" có nghĩa là "sinh ra ở Trung Quốc mới và lớn lên dưới lá cờ đỏ" mà không bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng lạc hậu.

(Source Baidu)
Cứ như vậy đến lúc tuổi già, Bạch Thần và Quách Ngọc Lan đã vào độ lão niên.

Thân thể của ông bắt đầu mập ra, đi đường cũng bắt đầu bất ổn.

Quách Ngọc Lan vẫn như trước đây ôn nhu đối đãi với ông như bóng với hình.

Tương thân tương ái trong lúc hoạn nạn, cùng lắm cũng chỉ như thế này thôi.
Cuộc sống của bọn họ rất hạnh phúc, đối với Bạch Thần của lúc đó, và cũng là Mao Đầu của bây giờ, đó là giai đoạn hạnh phúc và vui vẻ nhất trong cuộc đời ông.

Yêu một người, yêu đến thiên hoang địa lão, yêu đến thiên trường địa cửu, đây là một điều không hề dễ dàng, nhưng lúc đấy tôi cũng không hiểu như thế là sao.

Chỉ đến khi Mao Đầu hồi tưởng lại quãng thời gian trước, khóe mắt ông bỗng trở nên ấm nồng, tôi liền hiểu, đó là một loại tình yêu tuyệt vời nhất trên thế giới.
Thế nhưng ông trời luôn thích trêu ghẹo người khác, ba năm về sau, Bạch Tiến du học trở về, còn mang về một người con dâu cũng du học trở về.

Quách Ngọc Lan chuẩn bị một bàn thật lớn toàn những món ăn mà Bạch Tiến yêu thích khi còn bé, nhẹ nhàng vui vẻ bưng lên, nhưng bà lại không ngờ, là bà phải đối mặt với một gương mặt lãnh nhược băng sương.
Mao Đầu nói, thật ra ông đã sớm dự liệu từ trước, Bạch Tiến có thù hận với mình và Quách Ngọc Lan.

Bạch Thần và Quách Ngọc Lan yêu nhau, yêu đến cực hạn một cách vô cùng tự nhiên, nên họ lại vô tình bỏ mặc Bạch Tiến.

Làm một đôi vợ chồng yêu nhau thắm thiết, bọn họ không làm sai bất cứ chuyện gì, nhưng đối với một đứa con duy nhất của bọn họ, Bạch Tiến từ nhỏ đã cảm thấy bản thân không đạt được sự quan tâm mà mình xứng đáng có được từ cha mẹ.

Tình yêu của cha mẹ chiến thắng hết thảy, nhưng lại bỏ rơi chính mình.

Mà từ khi cha mẹ đưa Bạch Tiến ra nước ngoài, nội tâm của Bạch Tiến đã hoàn toàn méo mó.

Anh ta cũng tin rằng mình có thể tìm được một người mà mình vô cùng yêu thương, giống như trong mắt cha mẹ mình chỉ có lẫn nhau.

Thế là, anh ta ôm lấy thứ tình cảm cố chấp này, gặp được Phương Khả Di.
Bạch Tiến quen được Phương Khả Di chỉ trong ba năm ngắn ngủi, về nước thì liền vội vàng kết hôn.

Trong nhà Phương Khả Di ban đầu rất có tiền, thế nhưng về sau gia đình sa sút, nhưng bản thân cô ta đã hãm sâu cái tính cánh ngạo mạn kiêu căng của một cô tiểu thư giàu có, mà không thể nào tự thoát ra được.

Bạch Tiến bị thứ tình yêu ngu xuẩn che mờ đi đôi mắt, cực kỳ ngoan ngoãn mà phục tùng Phương Khả Di.

Thế nên sau khi kết hôn, Bạch Tiến liền lấy hết số tiền tiết kiệm cùng căn nhà cũ mà Bạch Thần vất vả dành dùm được, mua một ngôi nhà kiểu phương Tây với ba lối vào và ba lối ra.

Bạch Tiến lúc đầu rất khách khí, trên thân còn sót lại hình bóng nhu thuận ngoan ngoãn khi còn bé.

Anh ta dẫn hai vị lão nhân đi vào nhà, nhưng lại sắp xếp cho hai người một căn phòng bé nhất.

Căn phòng kia sau khi được quét dọn sơ sài, nhưng nó vẫn âm u ẩm ướt.

Lúc ấy trong nội tâm của Bạch Thần đã thực sự nổi nóng, nhưng vẫn được Quách Ngọc Lan an ủi.

Ông nghĩ, mặc dù cuộc sống có chút bực bội bí bách, nhưng may mắn thay, người xưa mãi vẫn sống bên cạnh mình.
Nhưng từ khi Bạch Thần và Quách Ngọc Lan sống cùng một nhà với đứa con trai, Bạch Tiến không còn có quan tâm tới hai ông bà nữa, suốt ngày anh ta chỉ cùng hồ bằng cẩu hữu hết bê tha rượu chè rồi lại đánh bài đánh bạc, ở nước ngoài cũng không biết học được thứ gì, cả người chỉ độc có sự đồi phế tham lam, chẳng làm được trò trống gì.

Phương Khả Di thì như là Ðát Kỷ bên cạnh Trụ vương nhà Thương, mạnh vì gạo, bạo vì tiền, lại còn cực kỳ lẳng lơ.

Cô ta ăn mặc như hoàng hậu, đàn đúm cùng với Bạch Tiến, cũng chẳng hề quan tâm đối phương phải chăng đang kiếm tiền, hay chỉ là một tên ăn chơi thích hưởng thụ, miệng ăn núi lở.
Bạch Thần muốn khuyên can Bạch Tiến, thế nhưng trong nội tâm vẫn nghẹn lại cái thói bất hiếu của con trai mình.

May mà hai vợ chồng già bọn họ cũng còn giữ chút tiền hưu trong tay, vẫn có thể tự túc nương tựa lẫn nhau.

Còn không thì hãy tưởng tượng những ngày tháng buồn tủi, ê chề khi không có ai quan tâm đến họ, nó sẽ có mùi vị như thế nào?
Thế nhưng cuối cùng vẫn đến một ngày như vậy.

Ngày hôm đó, Quách Ngọc Lan mua thức ăn trở về, sau một hồi vô lực giãy dụa, té xỉu ngay trước căn phòng nhỏ bé ẩm ướt kia.

Bạch Thần đi dạo từ bên ngoài trở về, thấy vậy liền cấp tốc đưa Quách Ngọc Lan đến bệnh viện, kết quả đúng là tắc nghẽn cơ tim cấp tính.
Trông thấy Quách Ngọc Lan nằm trên giường bệnh đau đớn không đành lòng, Bạch Thần cảm thấy mình trong nháy mắt đã già rồi.

Tiền của bọn họ không đủ, bất đắc dĩ chỉ có thể mượn người em trai của Quách Ngọc Lan.

Một tới hai đi, cũng không biết làm sao lại truyền đến tai của Bạch Tiến.

Bình thường Bạch Tiến chẳng quan tâm hai ông bà già, nhưng chỉ trong một lần bạo bệnh này, anh ta lại tích cực tới khóc tang từ sớm.
Sau một hồi khóc thương rất lâu, Bạch Thần tưởng Bạch Tiến vẫn còn chút lương tâm, kết quả lại không ngờ rằng Bạch Tiến thừa dịp mẹ sinh bệnh, mở miệng lại muốn mượn tiền.
Thật ra cũng là vì lần đổ bệnh này của Quách Ngọc Lan, Bạch Tiến mới biết được trong tay của Quách Ngọc Lan và Bạch Thần còn có tiền.

Anh ta mấy năm này không làm được chuyện gì đứng đắn, cũng càng tìm không được bất kỳ công việc nào ổn định, số tiền trong tay càng ngày càng hao hụt, thế nên lần này tâm tư ma quỷ của anh ta lại một lần nữa chụp trên đầu cha mẹ.
Bạch Thần muốn đuổi Bạch Tiến đi, ai ngờ lại bị Bạch Tiến đẩy ngã trên mặt đất, may mắn thân thể của ông coi như rắn chắc, dù bị té ngã cũng không để lại hậu quả gì hệ trọng.

Ngược lại Bạch Tiến càng hăng máu hơn, "Cái ông già này, sao ông còn chưa chết quách đi! Không còn tiền cho tôi, vậy mà có tiền trị bệnh cho bà ta! Tôi thấy bệnh thế này thì đừng trị làm gì nữa, về nhà chờ chết đi! Sống lay lất ở đây tốn không biết bao nhiêu là tiền?"
Vừa nói xong, Bạch Tiến liền phát rồ làm thủ tục xuất viện cho Quách Ngọc Lan.

Bạch Thần không còn cách nào để trị cho cái đứa con bất hiếu này, cũng chỉ có thể tự mình chăm sóc cho Quách Ngọc Lan trong căn phòng chật hẹp ẩm thấp kia.

Mỗi ngày ăn cơm đi ngủ, lau dọn tiểu tiện, toàn bộ đều rơi trên người Bạch Thần.
Trong một đêm nọ, bệnh tình của Quách Ngọc Lan lại trở nên trầm trọng hơn, đau đớn bất lực, Bạch Thần liền dùng tay xoa bóp cho Quách Ngọc Lan, hi vọng đối phương có thể giảm bớt đau đớn.
Quách Ngọc Lan cười cười, dường như vết tích của năm tháng cũng không hằn dấu bên trong ánh mắt của bà, đôi mắt của bà vẫn chan chứa vẻ trìu mến như được làm bằng nước của ngày trước.

Bà mở miệng, giọng nói đã trở nên già nua tiều tụy, "Nếu năm đó không có anh, bây giờ quả thật không biết là em đã ở nơi nào rồi, cảm ơn anh."
Nói xong, Quách Ngọc Lan chậm rãi nhắm mắt lại.

Sáng hôm sau, Quách Ngọc Lan đã thanh thản rời khỏi nhân thế.

Bạch Thần một mình ngồi bên cạnh Quách Ngọc Lan rất rất lâu, cuối cùng nếu Phương Khả Di không chạy vào đòi tiền, ắt hẳn cô ta cũng không biết mẹ chồng mình đã từ trần..