Những ngày tháng cuối cùng còn lại có lẽ là do hồi quang phản chiếu, chuyện gì lão phu nhân cũng nhớ rất rõ ràng.

Chúng ta cùng nhau trải qua tân niên, bà lôi con hổ bông khi bé thiếu Tướng quân từng chơi ra. Bà kể là ban ngày hắn ném nó vào góc, ngoài miệng thì nói không thèm chơi thứ đồ trẻ nít như thế, ban đêm lại giấu ở dưới gối, ngủ thiếp đi vẫn còn ôm nó trong khuỷu tay.

Hiếm khi có dịp thấy thiếu Tướng quân đỏ mặt, chúng ta to gan cười nhạo hắn được một lần. Hắn cũng không giận, tùy tiện để đám chúng ta ồn ào quậy phá, còn hắn thì chỉ lo uống rượu nói đùa.

Một đoạn thời gian sau, ta nghe theo lệnh lão phu nhân đi phát tiền bạc cho mấy gã sai vặt, gác đêm ở trong và ngoài viện. Ta phát một đường, ai cũng vui mừng nhận lấy, đi một mạch đến cửa hông mà vẫn chưa nhìn thấy bóng hình quen thuộc kia.

Từ lúc bước vào phòng thiếu Tướng quân là ta đã không dám nhắc tới Thụy Tuyết với bất kỳ ai nữa. Trận chiến kỳ này quá hung hiểm, nghe nói là chết hơn ngàn người. Thiếu Tướng quân đã về nhà non nửa tháng mà trước sau vẫn chưa gặp được hắn, ta thật sự thấy lo lắng vô cùng.

Ta đành phải hỏi thăm một thị vệ trẻ tuổi ở cửa hông hướng Tây: “Người canh giữ chỗ này vào năm trước đâu rồi? Sao ta đi phát tiền hơn nửa sân rồi mà không thấy bọn họ? Năm nay đâu có phân công lại đâu đúng không?”

Một thị vệ trẻ ngẩng đầu chỉ về hướng Bắc: “Cô nương nói tới Thụy Tuyết và Trịnh Lâm đúng không? Chắc là bọn họ trông coi bên cửa Bắc đó.”

Ta đi nhanh đến cửa Bắc, ngày tuyết rơi đường xá trơn trượt làm ta té ngã ngay bậc thềm. Đẩy cửa Bắc ra, ta vội nhìn bên ngoài nhưng chỉ thấy mỗi Trịnh Lâm.

Ta cứng rắn che đậy nỗi sợ trong lòng, một bên phát tiền một bên đánh tiếng với hắn: “Nghe nói trận này nhiều người chết trận, Trịnh đại ca có thể bình an quay về là có phúc lắm đấy. Năm trước còn thấy ngươi canh gác cùng Thụy Tuyết mà năm nay chẳng thấy hắn đâu, không lẽ hắn đã...”

Trịnh Lâm nhận tiền, thở dài một hơi. Ta hoảng hồn lo sợ, ruột gan co thắt đau đớn, dạ dày cũng sôi trào cuồn cuộn.

Hắn nói tiếp: “Đúng vậy, rất nhiều người không sống nổi, ngay cả thi thể cũng không quay về được nữa."

Gió tuyết thét gào, ta run lẩy bẩy giấu tay vào trong.

“Thụy Tuyết mệnh cứng, gãy chân nhưng ít nhất vẫn còn giữ được tánh mạng. Tướng quân sắp xếp cho hắn quản lý cửa hàng, không để hắn làm việc canh gác này nữa.”

Trái tim ra rơi bịch một tiếng, thở phào vài lần mới ổn định tinh thần lại được. Ta còn không biết bản thân đã quay về như thế nào, trong đầu chỉ có nửa câu “ít nhất vẫn còn giữ được tánh mạng”.

Ta không ngờ là lúc về tới nơi thì vừa hay đụng phải Thụy Tuyết và mấy vị quản gia khác. Bọn họ tới chúc tết thiếu Tướng quân và lão phu nhân.

Hắn cởi bỏ giáp bạc và áo đỏ, mặc lên người áo dài màu xanh lá mạ. Áo khoác ngoài bám khói bụi bao bọc lấy cơ thể ngồi trên xe lăn, đôi má lúm đồng tiền kia hãy còn mang ý cười hiền hòa vui vẻ.

Ta và hắn chỉ chạm mắt một lần, ta chớp lấy thời cơ hỏi thăm mấy vị quản gia để bắt chuyện với hắn: “Chỉ cần người còn đây, năm mới đến nhất định sẽ tốt hơn trước kia.”

Hắn nhìn ta rồi chuyển qua nhìn tuyết rơi trong viện. Hắn lại nói câu thành ngữ cũ: “Thụy tuyết triệu phong niên là dấu hiệu tốt.”

Hắn học theo mọi người, nói với ta là: “Cảm ơn cô nương chúc phúc, mong cô nương năm mới muốn gì được nấy.”

Muốn gì được nấy sao, nhưng chuyện ta muốn làm khó chẳng khác gì bắt thang lên trời.

Ta trao lại ngọn đèn vào tay hắn thêm một lần nữa: “Trời tuyết đường xá trơn trượt, ngươi đừng nên đi ra cửa Bắc thì hơn.”

Thụy Tuyết cẩn thận cúi đầu. Hắn nhìn thấy làn váy vì bị té ngã nên dính bẩn lầy lội của ta.

Hắn khẽ nhíu mày, hóa ra lúc hắn có biểu cảm này thì đôi má lúm đồng tiền sẽ biến mất.

Ta xoay người muốn vào phòng, Thụy Tuyết bỗng dưng gọi ta lại: “Nghe nói Niên Phong cô nương rất giỏi quản lý sổ sách, nếu như ta có điều không hiểu rõ, không biết có thể đến đây nhờ cô nương chỉ bảo chăng?”

Ta quay đầu cười với hắn, nhẹ nhàng gật đầu đồng ý.

Hắn cười thật dịu dàng, má lúm đồng tiền lại lộ ra rõ ràng như cũ.

Còn sống là tốt lắm rồi, Thụy Tuyết.

Còn sống luôn là việc tốt lành.

...

Đầu mùa xuân sắc xanh vừa đâm chồi, vào giờ ngọ một ngày trời ấm áp, lão phu nhân chỉ có thở ra chứ không có hít vào.

Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm, cả đời bà lên xuống nhấp nhô mà vẫn giữ vững tấm lòng lương thiện. Chỉ cần nhiêu đó thôi là đã đủ rồi.

Chỉ có những người trẻ tuổi chúng ta là thấy luyến tiếc, luôn nghĩ rằng có lão phu nhân tốt như thế thì phải để bà sống lâu trăm tuổi, tốt nhất là sống lâu hơn cả chúng ta.

Bà đã tính toán kỹ càng cho mọi người, đặc biệt nhất vẫn là Đông Quế. Bà để thiếu Tướng quân kết nghĩa anh em với nàng, sau khi họ giữ đạo hiếu cho bà xong thì cần phải tìm cho nàng một mối hôn nhân tốt. Bà muốn nàng làm vợ cả một nhà, tuyệt đối không được chịu nửa phần uất ức.

Đến phiên ta thì lão phu nhân vẫn còn giữ áy náy trong lòng. Bà kéo tay thiếu Tướng quân nói: “Con biết ta trước nay yêu thương bọn họ, ta không thể bỏ mặc Đông Quế, không thể bỏ mặc Di Vũ, đặc biệt không thể bỏ mặc Niên Phong bị con cướp đi mất. Các nàng cũng giống như ta, đều là người mệnh khổ không thể tránh...”

“Con luôn coi thường các nàng, nhưng vì sao lại thế? Mỗi người bọn họ có khác gì ta đâu, đều phải vật lộn với thói đời để sống. Con luôn nói bầu trời trên phủ Tướng quân này là do ta chống đỡ, nhưng khi con không có ở đây, mỗi một ngày trôi qua làm sao không kể đến công lao của bọn họ cho được?”

“Đặc biệt là Niên Phong. Con thành hôn xong là quay lưng phụng chỉ xuất chinh, bỏ lại tân nương vừa bước qua cửa lớn, còn có cả bà già hồ đồ là ta đây. Có ai mà không nhờ vào Niên Phong đỡ đần từng việc?”

Lão phu nhân càng nói càng sốt ruột, sau đó bà ho khan một đợt dài.

Ta không đành lòng, tiến lên vuốt lưng bà nhè nhẹ. Ta khóc lóc nói: “Lão phu nhân, đó đều là việc Niên Phong nên làm. Người làm ơn nghỉ ngơi một lát đi, đừng tốn công lo lắng cho Niên Phong nữa.”

Lão phu nhân chăm chú nhìn ta, trong mắt bà là xót thương vô tận.

Rất lâu sau này, khi ta đã có con cháu của chính mình mới hiểu được lý do tại sao bà thu nhận nhiều bé gái như thế. Có lẽ là vì bà rất thích trẻ con.

Chúng ta được bà nuôi lớn, bà coi chúng ta như con cháu trong nhà. Thế nên khi gần đất xa trời thì lúc nào cũng lo lắng không yên. Vậy mà đến tận cuối cuộc đời, người đỡ áo quan cho bà chỉ còn lại một đứa cháu trai già trước tuổi.

Bà muốn ta tự lựa chọn tương lai sắp tới. Bà chỉ cần thiếu Tướng quân đồng ý để ta được hoàn thành tâm nguyện, cứ coi như chuyện của ta cũng là chuyện của bà.

Tuy biết thiếu Tướng quân hiểu lý lẽ, lão phu nhân vẫn gọi thiếu phu nhân đến trước giường. Bà nhiều lần nhắc nhở nàng là phủ Tướng quân không giam giữ một ai, nếu mai sau thiếu Tướng quân chết trận sa trường thì có thể tự do rời đi, về nhà hay tái giá đều không có vấn đề gì.

Sau khi săn sóc hết thảy mọi người, bà đã nhắm mắt vào một đêm xuân quang đãng. Lúc đó tất cả chúng ta đều bầu bạn bên người bà, để bà được ra đi trong thanh thản.

Ngày đưa tang, các cô nương từng được bà đích thân gả đi đều quay trở lại. Ai cũng mặc áo tang, tuy là phận gái mong manh yếu đuối, nhưng nhiều người hợp lại vẫn có thể khiêng nổi quan tài.

Di Vũ có thai không thể quỳ thẳng, vậy mà phải đợi đến khi thiếu Tướng quân lạnh giọng quát bảo ngừng lại mới chịu dập đầu từ bỏ. Nàng vẫn ở lại linh đường, ngồi trên cái ghế mà nàng thích nhất ở phủ Tướng quân. Nàng lẳng lặng nhìn linh bài lão phu nhân, hốc mắt ửng hồng không thể nào dịu lại.

Tiếng khóc ở đám tang hôm ấy chưa bao giờ ngừng nghỉ, đến mưa rơi trên trời cũng kéo dài đằng đẵng.

Mọi người đều nói khi lão phu nhân còn sống là người lương thiện, không chỉ có chúng ta luyến tiếc mà trời xanh cũng đau lòng.

Đông Quế gầy ốm trơ xương, nàng chảy nước mắt nhìn lên không trung, lẩm bẩm hỏi ta rằng: “Lão phu nhân chắc chắn đã trở thành Bồ Tát rồi đúng không?”

Ta mạnh mẽ gật đầu, ôm Đông Quế vào lồng ngực. Ta lau sạch nước mắt nàng, khuyên nàng ăn uống trước đã, cho dù có nhớ lão phu nhân cũng phải sống thật tốt.

“Bà ấy nói mỗi người trong chúng ta đều giống như bà, chúng ta đều đang vật lộn để sống còn.” Ta nói với Đông Quế, cũng như nói với bản thân: “Trân trọng sinh mạng mới có thể sống vì chính mình.”