Cuộc thi bắt đầu, dưới đài là các võ sĩ từ các nơi chen chúc ngồi xem, có những người trượt ở vòng hai cũng ngồi dưới đó, lòng ôm hoài niệm nhìn ba người may mắn Quế Hoa Sinh, Đặng Nam Già, Lạp Hãn Đồ.
Tiếng nhạc cất lên, rèn bắt đầu được kéo lên, công chúa Nepal uyển chuyển bước ra. Trong giây phút đó, toàn trường im phăng phắc không một tiếng động. Đáng tiếc công chúa đeo mạng che mặt, chỉ có đôi mắt tinh anh trong veo như thu thủy lộ ra ngoài, chỉ vậy thôi nhưng ai nấy đều sinh lòng ngưỡng mộ. Đây rõ ràng là "Ngắm hoa trong sương". Hơn trăm võ sĩ bên dưới chăm chú nhìn vẻ đẹp mơ hồ huyền ảo của công chúa sau tấm mạng che, đều cảm thấy phong thái tuyệt thế của nàng. Khắc Lôi Tư thầm nghĩ, "Các triết gia Latin bảo, cái đẹp không chỉ dùng mắt để nhìn mà còn cần "Tâm" để cảm nhận, lời này thật không sai."
Tiếng nhạc ngưng lại, người chủ trì cao giọng:
- Người dự tuyển thứ nhất, võ sĩ Nepal Lạp Hãn Đồ, xin mời bước lên đài. Tỉ thí kiếm thuật bắt đầu.
Lạp Hãn Đồ bước lên đài cao, quỳ gối thi lễ với công chúa, cả người run rẩy không ngừng. Công chúa khẽ mỉm cười, nhỏ nhẹ nói:
- Khi võ sĩ bước ra sâu đấu nên dũng cảm trấn định, thắng bại chỉ là phụ, điều quan trọng là thể hiện được bản lãnh của ngươi.
Lạp Hãn Đồ được công chúa khích lệ, thoáng trấn định, tay rút kiếm, miệng nói:
- Ta nhất định sẽ tận lực, xin công chúa chỉ điểm!
Tâm tình của gã hơi có vẻ kích động, thanh âm run rẩy bất an. Trong mắt người dân Nepal, công chúa như nữ thần, Lạp Hãn Đồ lúc này được đứng gần công chúa, trong lòng vừa vui mừng vừa lo lắng.
Công chúa khẽ mỉm cười, rút sáo ngọc ra:
- Ta dùng ngọc địch thay kiếm, ngươi hãy chú ý tiếp chiêu.
Sáo ngọc nhẹ nhàng múa lên nửa vòng, điểm vào hổ khẩu Lạp Hãn Đồ. Ngồi dưới đài là các cao thủ sử kiếm, nhìn thấy chiêu này của công chúa chính là một chiêu kiếm thuật cực kỳ đẹp mắt, không khỏi ồ lên một tiếng. Lạp Hãn Đồ giơ kiếm đỡ, mũi kiếm rung động, chỉ nghe soạt một tiếng, sáo ngọc đã đâm thủng một lỗ trên tay áo gã. Công chúa nhắc nhở:
- Chú ý một chút!
Lạp Hãn Đồ đỏ mặt, tránh ánh mắt công chúa, xem đối thủ trước mắt không phải là công chúa mà là kẻ địch, kiếm thuật liền thay đổi.
Kỳ thực võ công Lạp Hãn Đồ không yếu, trường kiếm múa lên mơ hồ có tiếng sấm lẫn trong gió, trầm ổn mạnh mẽ, nhưng công chúa vẫn thong dong ứng phó, sáo ngọc bay múa xoay tròn, chiêu nào cũng ẩn giấu vô vàn biến hóa tiếp theo. Võ sĩ dười đài thầm nhủ, "Nếu là ta, chỉ sợ đã bại trận từ lâu!"
Thời gian tàn một nén hương, Lạp Hãn Đồ đã bị sáo ngọc điểm trúng ba lần, may công chúa không dùng kiếm, nếu không trên người gã đã thủng ba lỗ. Lạp Hãn Đồ ném kiếm, quỳ gối nói:
- Công chúa, ta học nghệ không tinh, thật đáng hổ thẹn.
Công chúa đáp:
- Không, ngươi đã dốc toàn lực. Võ sĩ nước ta không ai có kiếm thuật có thể so được với ngươi, ngươi có thể đảm nhận chức vụ Tổng quản Ngự lâm quân đang khuyết.
Việc Lạp Hãn Đồ thất bại vốn nằm trong dự tính, nhưng chuyện trở thành Tổng quản Ngự lâm quân khiến gã bất ngờ, vui vẻ bước xuống đài.
Người thứ hai tỉ kiếm là Đặng Nam Già, hắn có y khoe khoang võ công, người chủ trì vừa gọi tên, hắn liền cong chân nhảy lên đài. Đài cao mười hai trượng, không ai kịp nhìn thấy hắn lấy đà thế nào, chỉ thấy mũi chân điểm nhẹ, Đặng Nam Già đã đứng trên võ đài. Hắn thi lễ với công chúa, nhưng không rút kiếm, chỉ chằm chằm nhìn sáo ngọc trong tay nàng.
Công chúa thản nhiên nói:
- Ta vốn quen dùng ngọc địch, xin ngươi hãy rút kiếm ra.
Đặng Nam Già cực kỳ tự phụ, chưa bao giờ bị xem thường như vậy, trong lòng tức giận, đang định phát tác thì chợt nghĩ, "Nàng dùng sáo ngọc thì ta có thể đánh bại nàng dễ dàng, nhưng để trúng tuyển, ta cần gì phải tranh luận với nàng?"
Nghĩ đến đây, hắn liền đổi giận làm vui, vút một tiếng, trường kiếm cong như cánh cung đã nằm trên tay, cao giọng nói:
- Đã như vậy thì xin theo lệnh công chúa, thứ cho ta vô lễ.
Hắn bước lên trước một bước, vung kiếm chém vào cánh tay ngọc của đối phương. Chiêu thức này cực kỳ ảo diệu, công chúa rùng mình, hơi nghiêng người tránh sang một bên, trở tay điểm vào huyệt Kiên Tỉnh của hắn. Kiếm của Đặng Nam Già hình dáng đặc biệt, thân kiếm cong, vừa có thể đâm chém vừa có thể câu móc. Ở Trung Quốc có binh khí hổ đầu câu và ngũ hành kiếm có hình dáng tương tự. Kiếm thuật của Đặng Nam Già cộng thêm hình dáng kỳ lạ của thanh kiếm quả nhiên rất khác với mọi người, mỗi chiêu mỗi thức đều thể hiện tính cách của người dùng.
Công chúa ngưng thần ứng phó, nàng thi triển kiếm pháp vừa sáng tạo ra là Băng Xuyên kiếm pháp, sáo ngọc bay lượn dưới ánh nắng chói chang nhưng vẫn tỏa ra khí lạnh âm u. Sáo ngọc rực rỡ, kiếm lóng lánh, xoay tròn tiến lui biến hóa không thể đoán trước. Cả hai đánh nhau hơn nửa canh giờ vẫn bình thủ. Các võ sĩ dưới đài nhìn đến kinh tâm động phách, lòng bàn tay ai nấy đều đổ mồ hôi.
Đây là lần thứ hai công chúa dùng Băng Xuyên kiếm pháp, ban đầu có hơi ngượng ngạo nhưng càng lúc càng quen tay, bên ngoài như sông băng im lìm bất động nhưng bên trong mãnh liệt cuồn cuộn, uy lực to lớn khó có thể tưởng tượng. Đặng Nam Già hít một hơi khí lạnh, bắt đầu cảm thấy sự lợi hại của đối phương.
Lại qua thời gian uống hết một chén trà, kiếm chiêu của công chúa biến đổi, sáo ngọc chỉ đông đánh tây, nhìn bên ngoài chỉ thấy nhẹ nhàng mềm mại như không dùng sức, kỳ thực lại nhu hòa như tơ liễu, nhanh như cầu vồng, tĩnh như xử nữ, động như thỏ chạy, chiêu nào chiêu nấy đều ẩn biến hóa bên trong. Kiếm thuật quái dị của Đặng Nam Già dần bị nàng khắc chế, lực bất tòng tâm. Đặng Nam Già bắt đầu lo lắng, đột nhiên nảy ra ác niệm, ngưng tụ chân lực toàn thân vào mũi kiếm, hét lớn một tiếng, chém mạnh xuống. Trong lòng hắn đã có tính toán, nếu công chúa đỡ chiêu này, sáo ngọc kia nhất định sẽ bị chém gãy. Còn nếu nàng không đỡ nổi, có thể nàng sẽ ngọc vẫn hương tiêu, tuy đáng tiếc nhưng có như vậy chiến thắng mới không rơi vào tay người khác.
Xung quanh không thiếu danh gia kiếm thuật ngồi xem, Đặng Nam Già vừa ra chiêu này, không ít người nhìn ra dụng ý độc ác của hắn, lớn tiếng quát mắng. Giữa tiếng quát mắng, chỉ thấy sáo ngọc trong tay công chúa vung lên, Đặng Nam Già gào lớn một tiếng, từ trên đài cao rơi thẳng xuống đất, lộn một vòng mới đứng dậy nổi, mặt tái xanh, môi trắng bệch, cả người run rẩy không ngừng.
Hóa ra khi hắn đánh ra chiêu thức đó, từ trong sáo ngọc bắn ra ba viên Băng Phách thần đạn. Với công lực bản thân, Đặng Nam Già có thể chịu đựng nổi, nhưng tối qua hắn đã ác đấu với Quế Hoa Sinh một trận, chân lực tiêu hao không ít, hơn nữa hắn chưa từng nghĩ đến Băng Phách thần đạn sẽ được bắn ra từ sáo ngọc. Ba viên băng đạn đều bắn trúng huyệt đạo của hắn, kỳ hàn công tâm, nội công Đặng Nam Già vốn cao, tuy không mất mạng nhưng sẽ bệnh liệt giường một trận.
Khi chúng nhân còn đang kinh ngạc, người chủ trì đã hô to:
- Người cuối cùng, võ sĩ Trung Quốc Quế Hoa Sinh, xin mời thượng đài so kiếm với công chúa.
Từ một bên đài, Quế Hoa Sinh chậm rãi bước lên đài cao. Y vốn có thể nhảy lên dễ dàng, nhưng y không muốn khoe khoang trước mặt công chúa. Đến khi thượng đài, đứng đối diện với nàng, nhìn thấy nhu tình mật ý vô hạn trong mắt người thương, Quế Hoa Sinh nhất thời ngây dại cả người.
Công chúa hơi mỉm cười, nói:
- Xin mời rút kiếm ra!
Lúc này Quế Hoa Sinh mới sực tỉnh, nhớ ra mục đích đến đây, liền cúi chào công chúa, điềm đạm nói:
- Khách không lấn chủ, xin mời công chúa ban chiêu.
Công chúa đáp lời:
- Cũng được.
Đứt lời ném sáo ngọc đi, gọi lớn:
- Uyển Lan Tinh, mang Băng Phách Hàn Quang kiếm của ta ra đây!
Người cung nữ kia lập tức theo tiếng bước ra, trên tay bưng hộp đựng kiếm. Công chúa khẽ mỉm cười, rút kiếm ra khỏi vỏ, nhất thời một đạo hàn quang bật lên, những võ sĩ ngồi ngay phía trước đài rùng mình, cảm giác lạnh lẽo bao trùm, không khỏi lấy làm kinh hãi. Người người kinh ngạc, không ngờ trong thiên hạ lại có bảo kiếm như vậy!
Quế Hoa Sinh cũng rút kiếm ra, bảo kiếm của y cũng là kỳ trân trong thiên hạ, mũi kiếm vừa ra khỏi vỏ, rung lên như tiếng rồng gầm. Nếu y bạt kiếm đầu tiên, chúng võ sĩ tất sẽ giật mình, nhưng hiện giờ, so với băng phách hàn quang kiếm thì Đằng Giao bảo kiếm vẫn kém hơn một chút. Võ sĩ ai nấy thì thào:
- Nếu là bọn ta đứng trên đài, chưa kịp so kiếm đã lạnh run chân vì hàn khí mất rồi.
Quế Hoa Sinh vòng tay, ra dấu xin mời, chỉ thấy công chúa hơi nhích vai một chút, băng phách hàn quang kiếm chém vào cổ Quế Hoa Sinh nhanh như điện. Quế Hoa Sinh đang chìm đắm tròng nhu tình, mắt thoáng thấy chiêu số ảo diệu của công chúa, giật mình định tỉnh, một chiêu Vân Hoàng Tần Lĩnh rồi một chiêu Tuyết Ủng Lam Quan mới hóa giải được thế công của công chúa. Công chúa không hề ngừng tay, chiêu nọ nối tiếp chiêu kia, bức Quế Hoa Sinh lùi lại mấy bước, thấp giọng nói:
- Cẩn thận tiếp chiêu!
Quế Hoa Sinh đọc được ý trách cứ trong ánh mắt của nàng, bừng tỉnh, nhủ thầm, "Đúng rồi, nếu ta không xuất ra bản lĩnh thật thì dù nàng có nhường ta thắng trước đông đảo các võ sĩ ở đây cũng không vẻ vang gì."
Liền tập trung tinh thần, bắt kiếm quyết, một chiêu Tinh Hán Phù Tra xuất ra, ánh kiếm như cầu vồng đánh tới. Công chúa nheo mắt cười, tránh chiêu rồi xuất chiêu. Hai người tài sức ngang nhau, đánh đến bất phân thắng bại.
Hơn nửa canh giờ trôi qua, công chúa không nhẹ tay, khiến Quế Hoa Sinh phải phồ bày hết bản lĩnh thật. Hai thanh bảo kiếm qua lại như rồng bay phượng múa, hàn quang bao trùm, kiếm khí dày đặc, chúng võ sĩ nhìn hoa cả mắt, không biết đâu là Quế Hoa Sinh, đâu là công chúa.
Quế Hoa Sinh nghĩ thầm, "Nếu không phải ta từng xem qua Băng Xuyên kiếm pháp của nàng, lần này nhất định sẽ đại bại."
Nguyên lai khi còn ở dãy Niệm Thanh Đường Cổ Lạp, công chúa đã từng cùng Quế Hoa Sinh nghiên cứu ra bộ kiếm pháp mới lạ này. Tuy uy lực của nó cực kỳ lớn nhưng chưa thể hoàn hảo từng chi tiết được. Quế Hoa Sinh biết rõ ưu khuyết của Băng Xuyên kiếm pháp, không cần công chúa nhường cũng dần dần chiếm thượng phong. Cách danh gia kiếm thuật các nơi có thể thấy được điều đó.
Một lúc sau, Quế Hoa Sinh phản công, bức công chúa liên tiếp lùi về sau. Tay ngọc công chúa vung lên, dùng thủ pháp Mãn Thiên Hoa Vũ bắn ra mười mấy viên băng đạn. Quế Hoa Sinh sớm đã phòng bị, năm ngón tay nhanh nhẹn xỉa vỡ băng đạn trên võ đài, hơi lạnh mù mịt bốc lên trắng toát khắp nơi. Những võ sĩ ngồi hàng đầu vội vã thối lui về phía sau. Ngay trong lúc đó, công chúa vừa bắn băng đạn xong, kiếm thế hơi chậm lại, Quế Hoa Sinh thừa dịp nhảy lên, mũi kiếm vẩy một cái, vừa vặn gẩy rơi mạng che mặt của công chúa. Toàn trường nhất thời yên lặng như tờ!
Chiêu này của Quế Hoa Sinh thật sự vô cùng kỳ diệu, mũi kiếm sắc bén chỉ gạt rơi mạng, không hề làm tổn thương đến một sợi tóc của công chúa. Giây phút kích động trôi qua, mọi người thấy rõ công chúa không bị thương thì hoan hô vang dội, một phần vì được chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt thế của công chúa, một phần vì kiếm pháp thần kỳ của Quế Hoa Sinh.
Vương tử Hy Lạp Khắc Lôi Tư đứng hẳn lên ghế, tay ôm thất huyền cầm, cao giọng hát:
Nhĩ khóa quá liễu thế giới đệ nhất cao phong,
Đái lai liễu ái tình đích mộng tưởng;
Nhĩ nhất kiếm thiêu khai liễu công chủ đích diện sa,
Tương ái tình đích chủng tử bá tại tha tâm thượng.
A, nhĩ giá thần kỳ đích nhất kiếm a!
Thắng quá liễu Khâu Bỉ Đặc(*) đích cung tiến.
(Dịch nghĩa:
Chàng đã vượt qua ngọn núi cao nhất thế giới,
Mang đến cho nàng ái tình trong mơ,
Một chiêu kiếm gạt rơi mạng che mặt,
Gieo tình yêu vào lòng nàng.
Ôi, chiêu kiếm thần kỳ của chàng,
Còn hơn cả cung tên của thần Cupid.)
(*) Chú thích của tác giả: Khâu Bỉ Đặc, thần ái tình Cupid của Hy Lạp, bắn tên trúng ngươi nào, người đó sẽ rơi vào lưới tình.
Tiếng hát của Khắc Lôi Tư chìm nghỉm trong biển âm thanh reo hò, nhưng Quế Hoa Sinh vẫn nghe được, cúi đầu cảm ơn gã. Khắc Lôi Tư vui mừng vô cùng, thật như những lời của các triết gia gã từng nói, ngắn nhìm người khác hạnh phúc cũng cảm thấy bản thân thỏa mãn vô cùng.
Công chúa khẽ mỉm cười, thấp giọng nói với Quế Hoa Sinh:
- Huynh thắng rồi.
Trong lời nói còn có ý khác, Quế Hoa Sinh nhìn nàng, công chúa đỏ mặt, cúi người chào Quế Hoa Sinh rồi bước vào trong. Người chủ trì bước ra, tuyên bố Quế Hoa Sinh đã vượt qua cuộc tỉ kiếm, chỉ đợi ngày mai thi văn xong là biết y có trúng tuyển phò mã hay không.
Quế Hoa Sinh và các võ sĩ rôm rả quay về chỗ trọ, Khắc Lôi Tư chúc mừng y lần nữa, để thuận tiện cho cuộc thi ngày mai, mọi người chỉ chúc Quế Hoa Sinh ngủ ngon rồi tản đi.
Nhưng Quế Hoa Sinh làm sao có thể ngủ được, y thức trắng gần cả đêm, nghĩ đến việc sắp được gặp lại công chúa, cũng nghĩ về ý định của mình, rời Trung Quốc ngao du học tập võ công các nơi để sáng tạo ra kiếm phái mới, chí nguyện của y cũng đã gần thực hiện xong rồi. Quế Hoa Sinh đã hiểu thấu đáo nội công thượng thừa của Ấn Độ, đã chạm trán với kiếm thuật các nước Nepal, Ba Tư, Hy Lạp, Ả Rập. Y có thể tập hợi tinh hoa các nhà, sau này sẽ cùng công chúa hoàn thiện Băng Xuyên kiếm pháp.
Ngày thứ hai, trước mặt quốc vương, công chúa ra đề thi văn với y. Quế Hoa Sinh đối đáp trôi chảy, trích dẫn cổ thi kinh điển Nepal khúc chiết, khiến quốc vương vô cùng kinh ngạc. Chỉ có điều quốc vương không biết, những đề bài công chúa hỏi đến hầu như đều nằm trong nhưng thư tịch nàng đã đưa cho Quế Hoa Sinh, những phần khác thì nàng và y đều đã từng nói đến trước đây. Đến phần hỏi về văn học Trung Quốc, Quế Hoa Sinh đích thực tỏ rõ sự uyên bác của mình, công chúa để đại sư Hán học tham gia làm giám khảo, Quế Hoa Sinh giải thích hàm nghĩa kinh sử chi tiết, đến những người ấy cũng chưa từng nghe qua. Quốc vương thấy y văn võ toàn tài cũng thay đổi cách nhìn nhận, thầm khâm phục trong lòng, thấy người thiếu niên Trung Quốc này tuy không xuất thân hoàng gia quý tộc nhưng tài năng đã vượt hẳn mọi người.
Có một chuyện ngoài tưởng tượng, đó là công chúa ra cho Quế Hoa Sinh hai đề mục, khiến y luống cuống. Một là để Quế Hoa Sinh đoán tên một cố sự Châu Âu, một là dựa vào tên công chúa làm thành một câu đối (Để biết chi tiết, xin mời xem 《 Băng Xuyên Thiên Nữ truyện 》, hồi thứ chín). May mà Quế Hoa Sinh chỉ vất vả một lúc cũng thông qua được. Đến khi chính miệng quốc vương tuyên bố y là phò mã, Quế Hoa Sinh mưng đến suýt ngất xỉu.
Việc kết hôn đã định, quốc vương để Quế Hoa Sinh dọn đến cung điện dưới chân núi Thụy Dương Bố ở tạm, ba ngày nữa sẽ cử hành hôn lễ, chính là đại lễ hàng năm của Nepal, lễ Nhiên Đăng.
Ba ngày trôi qua dài như ba năm, Quế Hoa Sinh đợi mãi, cuối cùng cũng đến ngày cưới, chiếu chỉ ban ra, hôn lễ vương thất cử hành long trọng, ban ngày Quế Hoa Sinh sẽ nhận lời chúc phúc của cao tăng trong chùa, ký tên vào hôn thư, sau đó về cung chờ đến tối, quốc vương sẽ phái người đón y vào vương cung hoàn thành hôn lễ.
Trong ngày hôn lễ, Quế Hoa Sinh vui mừng vô cùng, y có nằm mơ cũng không nghĩ bản than sẽ kết kỳ duyên ở Nepal. Đến hoàng hôn, từ ban công cung điện nhìn ra, chỉ thấy trong vườn treo đủ loại phong đăng bằng pha lê lấp lánh đến hoa cả mắt, như trong biển châu báu rực rỡ đủ mọi sắc màu. Ngước mắt lên cao, đèn đuốc trong thành Kathmandu sáng bừng như ban ngày, tiếng sênh ca không dứt. Lễ Nhiên Đăng ở Nepal là ngày hội tình yêu, trong ngày này, nhà nào cũng treo đèn kết hoa, nam thanh nữ tú ca múa thỏa thích, chùa miếu cũng tổ chức vũ hội tưng bừng. Năm nay, công chúa của Nepal kết hôn đúng ngày này, cả nước còn náo nhiệt hơn mười lần so với lễ hội những năm trước.
Hoàng hôn vừa tắt, một cỗ xe ngựa dừng bước trước cửa cung, chính là chiếc xe ngựa từng đón y trước đây, vẫn là bốn con tuấn mã trắng phau, chỉ khác là lần trước y vào cung chữa bệnh cho quốc vương, còn lần này là để làm phò mã.
Người phụng mệnh đến đón Quế Hoa Sinh là một thiếu niên Ngự lâm quân. Xe ngựa đi qua thung lũng, chợt nghe có tiếng thiết kỵ đuổi theo, lẫn trong đó là tiếng khua đao múa kiếm. Quế Hoa Sinh hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Xe ngựa dừng lại, chỉ nghe tiếng kỵ sĩ bên ngoài la hét:
- Chúng ta không thể để cho ngoại nhân cưới công chúa của chúng ta!
- Công chúa gả cho hắn, quốc gia của chúng ta sẽ bị hắn thôn tính!
- Không được, nhất định phải đuổi hắn đi!
- Lẽ nào bổn quốc sẽ không có thật nam tử sao? Không chào mừng vị tân lang Trung Quốc này ở đây!
Ngự lâm quân đánh xe kinh hoàng thất sắc, nói:
- Không xong rồi, bọn họ không chào đón ngươi, ngươi hãy mau chạy đi.
Quế Hoa Sinh đáp:
- Ta không đi!
Ngự lâm quân nói nhanh:
- Ngươi đi hay không không quan trọng, ta không muốn chết chung với ngươi!
Nói rồi hai tay giơ cao, định kéo cương, hất Quế Hoa Sinh xuống xe. Quế Hoa Sinh không kịp suy nghĩ nhiều, trở tay điểm vào hôn huyệt của hắn. Lúc này đám người kia đã vây kín quanh xe ngựa, Quế Hoa Sinh muốn ra nói rõ mọi chuyện với bọn chúng, nhưng chúng ồn ào la hét, không cách nào nói được.
Quế Hoa Sinh hít một hơi, dùng nội công thượng thừa át đi những tiếng ồn ào:
- Nếu các người không hoan nghênh ta đến đây, ta sẽ quay lại sau, nhưng ít nhất hãy để cho ta ngắm nhìn kinh thành một chút.
Lời này vừa nói ra, những tiếng quát tháo lặng xuống một chút. Một người kêu lên:
- Đừng trúng kế của hắn, hắn muốn đến gặp công chúa xin che chở.
Nói rồi đâm trường thương tới, Quế Hoa Sinh nắm được mũi thương, miệng nói nhanh:
- Ta không hề có lòng mộng tưởng đến vương vị của các người, tại sao không cho ta đến gặp thê tử của ta?
Người kia bị y cầm mũi thương, không giật lại được, đỏ mặt tía tai quát:
- Các ngươi nghe xem, hắn còn định mang công chúa đi mấy. Ngươi nghe đây, bảo bối của bổn quốc, ngoại nhân như ngươi đừng hòng mang đi đâu.
Nhất thời mấy chục mũi trường mâu đồng loạt đâm tới.
Quế Hoa Sinh buông tay, hất người kia ngã nhào, rút Đằng Giao bảo kiếm khua một vòng, ánh kiếm lướt qua, tiếng kim khí chạm nhau leng keng, mười mấy mũi mâu đều bị chặt đứt. Đám hắc y võ sĩ vẫn chen nhau lao đến.
Quế Hoa Sinh vô cùng khó xử, hôm nay là ngày vui, hơn nữa, y không muốn làm người Nepal bị thương, nên chỉ dùng bảo kiếm chém gãy binh khí của đối thủ, nhưng như vậy lại càng bó buộc chân tay, nếu khinh công y không tốt thì đã bị thương mấy lần rồi.
Đang lúc khó khăn này thì một cỗ xe khác dẫn theo một nhóm người từ xa phóng đến, Quế Hoa Sinh thầm than khổ trong lòng, chợt nghe người đánh xe lớn tiếng kêu:
- Cung nghênh phò mã vào cung! Phản quân mau bó tay chịu trói!
Chuyện này nằm ngoài suy nghĩ của Quế Hoa Sinh, hóa ra chiếc xe này đến cứu viện.
Đội nhân mã mới đến đông hơn đám kỵ sĩ áo đen kia vài lần, lập tức xông vào chia nhỏ phản quân, căn dây cản ngựa, chỉ trong phút chốc đã bắt được toàn bộ. Người dẫn đầu cung kính thi lễ với Quế Hoa Sinh, hóa ra đó là tân Tổng đốc Lạp Hãn Đồ.
Lạp Hãn Đồ tự thân đánh xe, hộ tống Quế Hoa Sinh vào cung. Quế Hoa Sinh đa tạ gã, Lạp Hãn Đồ nói:
- Ta được công chúa khích lệ, nguyện gánh vác trọng trách, dù tan xương nát thịt cũng không báo đáp hết ân tình của nàng. Lần này đến chậm, để phò mã vất vả một phen, phò mã không trách phạt, ta đã vô cùng cảm kích.
Quế Hoa Sinh thở dài:
- Ta đức bạc tài sơ, may mắn được kết duyên với công chúa, tự biết bản thân không xứng. Ta không trách bọn họ không chào đón ta, ta không còn mặt mũi nào ở lại quý quốc.
Lạp Hãn Đồ thấp giọng nói:
- Võ công phò mã tuyệt thế thiên hạ, tài đức khiêm ưu, không chĩ võ sĩ các nơi đều khâm phục mà người dân trong nước ta, nếu không một trăm thì cũng đến chín mươi chín người vui mừng cho công chúa. Phản quân vừa rồi là do vương tử phái đến, chỉ có hắn không phục phò mã, sợ phò mã đoạt vương vị của hắn. Hắn đã từng lôi kéo ta làm phản, ta giả cách đồng ý, đã mật báo với công chúa.
Quế Hoa Sinh nói:
- Thì ra là như vậy.
Tâm trạng Quế Hoa Sinh thoải mái hơn một chút. Lạp Hãn Đồ nói tiếp:
- Ta muốn thỉnh ý phò mã, phản quân này nên xử trí thế nào? Chuyện này có cần báo cho quốc vương biết hay không?
Quế Hoa Sinh suy nghĩ, nếu vạch trần ngay lúc này e rằng Nepal sẽ xảy ra nội loạn, chỉ đành nói:
- Chuyện đã qua rồi, thôi bỏ đi. Phản quân để ngươi xử trí, ta hi vọng ngươi không trừng phạt bọn họ.
Đang nói chuyện chợt thấy vương tử Nepal dẫn mấy thớt ngựa chạy đến, vừ thấy Quế Hoa Sinh liền hỏi:
- Nghe nói trên đường xảy ra chuyện, phò mã không sao chứ?
Quế Hoa Sinh đáp:
- Không có gì, chỉ có vài người hồ đồ, Tổng đốc đại nhân đã xử lý xong rồi, đa tạ ngươi quan tâm.
Vương tử Nepal thấy sắc diện Quế Hoa Sinh bình thường, không đoán được y đã biết chuyện, liền quay sang Lạp Hãn Đồ:
- Lần này ngươi lập công lớn, quốc vương sẽ ban thưởng cho ngươi.
Lạp Hãn Đồ nói:
- Ta không mong ban thưởng, chỉ mong mọi người đồng tâm hợp lực, quốc gia thái bình lâu dài vậy là tốt nhất.
Vương tử cười lạnh, nói với Quế Hoa Sinh:
- Ta mong ngươi được người dân nước ta chào đón.
Quế Hoa Sinh đáp:
- Cảm ơn lời chúc phúc, ta cũng mong cầu như Tổng đốc đại nhân vậy.
Chỉ một lát sau đã vài kinh thành, người người tấp nập, lời ca tiếng hát vang vọng khắp nơi. mọi người vừa thấy cỗ xe của phò mã liên vỗ tay như sấm dậy. Quế Hoa Sinh cảm thấy ấm áp trong lòng, nhủ thầm, "Lạp Hãn Đồ nói không sai, bọn họ thật lòng hoan nghênh ta."
Xe ngựa đi chậm rãi, sắp tới hoàng cung, một nhóm ca sĩ tập hợp kéo đàn thổi kèn, đánh trống, cao giọng hát:
Kim vãn đích vãn phong đặc biệt phương hinh,
Tại ái tình đích tiết nhật lý thùy bất hoan hân?
Hoan nghênh nhĩ a, khóa quá châu phong đích quý khách,
Tòng kim chi hậu, nhĩ hòa ngã môn thị nhất gia nhân.
Công chúa hòa phò mã đế kết uyên minh,
Hỉ Mã Lạp Nhã sơn xuyên quá liễu hồng thằng,
Gia Đức Mãn Đô —— Bắc Kinh!
Trung Quốc hòa Ni Bạc Nhĩ vĩnh viễn tương thân!
(Dịch nghĩa:
Đêm nay gió đưa mùi hương bay xa,
Trong ngày lễ tình yêu này, ai mà không vui vẻ?
Chào mừng chàng, quý khách đã vượt núi đến đây,
Từ nay về sau, chàng là người một nhà với chúng ta.
Công chúa và phò mã sánh uyên ương,
Chỉ đỏ xuyên qua núi Hỉ Mã Lạp Nhã,
Kathmandu —— Bắc Kinh!
Trung Quốc và Nepal vĩnh viễn tương thân!)
Quế Hoa Sinh xúc động rơi lệ, mỉm cười nói với vương tử Nepal:
- Lời chúc phúc của ngươi đã thành hiện thực, đa tạ ngươi và bách tính trong thành, Trung Quốc và Nepal vĩnh viễn tương thân!
Sắc mặt vương tử Nepal trắng bệch, một câu cũng không thốt ra miệng được. Chủ ý của hắn là muốn phản quân đả kích Quế Hoa Sinh, khiến họ Quế nản lòng thoái chí, nhưng người trong nước lại ủng hộ công chúa, người mà nàng chọn làm trượng phu lại càng được hoang nghênh.
Vào đến vương cung, nhận lời chúc phúc của quốc vương xong thì cung nữ thân tín Uyển Lan Tinh cầm đèn dẫn Quế Hoa Sinh đến phòng công chúa.
Ước mộng đã thành, uyên ương chung tổ.
Trong phòng, hồng chúc sáng ngời, mùi thơm thanh nhã, Quế Hoa Sinh tưởng mình đang nằm mơ, si mê ngắm nhìn công chúa. Hai người im lặng hồi lâu, ngoài cửa chợt có tiếng khúc khích, là cung nữ Uyển Lan Tinh nhìn lén.
Quế Hoa Sinh đỏ mặt, ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy trong phòng bày trí giống hệt tân phòng ở Trung Quốc, hai bên dán câu đối viết trên giấy đỏ:
Hoa nghiêm diệu cảnh giai thùy du? Khán Long Diệp niêm hoa, Thích Ca vi tiếu;
Ngọc địch tiên âm yêu khách hòa, thính Tương Như cổ sắt, Tử Tấn xuy tiêu.
(Dịch nghĩa:
Cảnh đẹp rực rỡ, cùng ai dạo chơi? Xem Long Diệp cầm hoa, Thích Ca mỉm cười;
Sáo ngọc du dương, mời khách hòa nhịp, nghe Tương Như dạo đàn, Tử Tấn thổi tiêu.)
Hai câu đối này chính là một trong hai đề mục công chúa đã ra, dùng tên nàng "Hoa Ngọc"làm thành câu đối. Nepal là đất nước phật giáo nên vế đầu dùng điển tích trong kinh Phật biểu thị tình cảm. Quế Hoa Sinh gặp gỡ nàng lần đầu tiên trên núi băng, nghe tiếng sáo ngọc, sau được nhìn tận mắt dung nhan, về sau liền dùng tình cảnh lúc đó, thêm vào hai điển cố Trung Quốc bày tỏ mong nhớ người trong mộng. Công chúa liền cho dán hai câu đối này trong tân phòng, cũng muốn thể hiện tình cảm của nàng.
Giữa phòng có một tấm bình phong bằng ngọc bích, phía trên khảm một bài từ theo điệu Điểm Giáng Thần:
Ngọc kiếm băng đạn, đoan đích thị kỳ duyên kỳ ngộ.
Tuyết liên uyên phổ, lãnh hương phi nhập thi cú.
Túng hữu châu phong, nan cách Lưu lang lộ.
Vân thâm xử, nguyện đồng giai ẩn, doanh ốc băng xuyên trụ.
(Dịch nghĩa:
Ngọc kiếm băng đạn là duyên kỳ ngộ,
Tuyết liên phối ngẫu, hương thơm lẩn khuất trong từng câu thơ.
Dù núi cao cũng không cản được bước chân chàng Lưu,
Mây nơi sâu thẳm, nguyện cùng chàng ẩn cư nơi băng xuyên.)
Quế Hoa Sinh thấp giọng đọc qua một lần, hồn lâng lâng bay bổng:
- Hóa ra tâm ý của muội giống hệt như ta.
Hai người sóng vai đứng sau cửa sổ, ngắm nhìn tuyết trắng nơi đầu đỉnh Hỉ Mã Lạp Nhã, hai trái tim cùng chung nhịp đập.
***
Năm nau sau đó, quốc vương tuổi già sức yếu, vương tử nóng ruột mưu đồ soán vị, chuyện kế thừa ngôi vương trở nên cấp bách, trong nước tiềm ẩn nguy cơ nội loạn. Một buổi tối nọ, Hoa Ngọc công chúa và Quế Hoa Sinh lặng lẽ bỏ đi, đến cạnh Thiên Hồ trong dãy Niệm Thanh Đường Cổ Lạp, dựng Băng cung sống ở đó. Muốn biết chi tiết, xin xem 《 Băng Xuyên Thiên Nữ truyện 》.