Đang lúc ta dở hơi suy nghĩ lung tung thì cảnh tòa phủ gia rộng lớn của lão phụ nhân trong truyền thuyết dần xuất hiện trước mắt ta.
Ta khϊếp đảm nhìn hàng dài người đông đúc xếp từ cổng phủ ra tới tận phía ngõ sau, tất cả bọn họ, nếu không phải khất cái cũng là lưu dân, thậm chí ta còn nhận ra một số tên tiểu khất cái ngày thường động kinh ở trong cái miếu hoang ngoài thành tham gia tổ chức sự kiện họp mặt Cái Bang gì đó.
Cái gì mà chí hướng ở thiên hạ, giang hồ phải đề phòng, để rồi giờ này vác mông tới đứng xếp hàng nhận đồ cứu tế, nhìn bọn họ chân chó cười lấy lòng với người giao lương thực kìa, lúc bọn hắn ở miếu hoang luyên thuyên mồm mép cũng không có được cảm xúc dồi dào như thế đâu.
Ta lặng lẽ đi ngang qua bọn hắn, đuôi mắt xếch lên, khóe miệng xệ xuống, lỗ mũi hừ hừ, học thành công mười phần bộ dạng châm chọc, mỉa mai khuyến mãi khinh bỉ của thổ thần bà bà nhà ta.
Sau đó đá bọn hắn ra sau mông, ta nhanh chóng lượn lên phía dòng người ở trên, như một con cá chạch khéo léo, tránh đụng chạm tới người còn sống.
Ta dù có ngốc, nhưng vẫn nhớ như in lời của lão thái bà kia, quỷ hồn không nên chạm vào người trần.
Sau đó ta chứng kiến trước cổng lớn của tòa nhà ấy, hai bên để hai con kì lân đá vừa bự lại vừa cao, hầu như người đi ngang đều thấp hơn bọn nó tận một cái đầu.
Từ lần đầu tiên thấy hai bức tượng kì lân này, ta không khỏi hiếu kì về bọn chúng, theo như kinh nghiệm đọc những bình thư tiên hiệp bán đầy ở các chợ đen Cẩm Thành, thì thường có chi tiết kì lân canh cổng là những bán tiên sống tại nhân gian.

Vì vậy mà ta dành cả một ngày, chỉ để lảng vảng trước cổng tòa nhà này, hết nói chuyện rồi dán bùa, thậm chí vỗ vỗ lên đầu tượng kì lân, hòng muốn nhìn xem có phải bọn chúng thật sự mang hồn phách là bán tiên, có thể nói chuyện như ta hay không.
Sau đó nếu không phải thổ thần bà bà thuận đường đi ngang qua đây xử lý công vụ bắt gặp ta động kinh đứng nói chuyện với tượng kì lân mà xách ta về, giáo huấn cùng tịch thu một đống bình thư tiểu thuyết quý giá của ta, chỉ sợ ta còn mãi ở đó để mà triệu hồn.
Nói chứ, càng nhìn hai con kì lân này, ta chợt nhớ tới trước cổng nhà của lão Tri Huyện kia cũng có thứ đồ chơi giống vậy, tuy nhiên hai bức tượng kì lân ở trước phủ của lão già đó đem ra so thì trông tụi nó giống như hai con heo rừng vậy.
Ta vỗ vỗ cái đầu đá khổng lồ của kì lân, sau đó đặt mông lên đó ngồi nhìn quang cảnh bá tính trước mắt.
Ở giữa có một cái bàn gỗ dài, ba nam nhân bộ dạng khác nhau đứng nghiêm chỉnh, sau lưng là một núi bao bố đựng lương thực cứu tế, mỗi người phụ trách một hàng người, bộ dáng không kiêu không ngạo, luôn treo trên mặt là nụ cười hiền hòa và thiện ý, đối với lưu dân không chán ghét bọn họ dơ bẩn, rất chuyên nghiệp động viên và khuyến khích từng người.
Ta chân phải gác chân trái, tay chống cằm, vừa nhìn vừa lắng nghe âm thanh ồn ào của bọn họ.
Lưu dân từng người nhận lương thực, tới phiên một lão gia gia tấm lưng đã còng thật thấp, dựa vào cái dìu dắt của một đứa trẻ bên cạnh mà khập khiễng bước tới, cả hai người bọn họ, đều lem nhem bẩn thỉu, đầu tóc rối xù.
Lão nhân gia đó đưa bàn tay gầy guộc run rẩy nhận lấy hai túi lương thực, dung mạo đầy ứ nếp nhăn, luôn miệng bảo.
"Đa tạ, đa tạ! Quý nhân như các ngài chắc chắn sẽ được phù hộ! Đa tạ, đa tạ!"
Nam nhân dường như đã nghe những lời này đến quen thuộc, chỉ nhàn nhạt ôn hòa cười, nắm lấy bàn tay run rẩy của người kia, ngăn lại động tác quỳ xuống của hắn và đứa trẻ, ôn nhuận bảo.
"Chúng ta chỉ nhận lệnh từ phía trên thôi, mọi người đừng quỳ lạy, chúng ta nhận không nổi đâu, mau đứng lên."
"Chủ nhân của các ngài thật sự là Bồ Tát chuyển kiếp, nếu hôm qua không nhờ vào chút ít lương thực cùng quần áo các vị phát cho, hài tử của ta đã sớm không còn rồi."
Dứt lời lập tức nghẹn ngào, ánh mắt đục ngầu lấp lánh ánh lệ, lão già đó cùng đứa bé bên cạnh cúi đầu lau đi nước mắt trên dung nhan nhem nhuốc của mình, những người xung quanh ra sức gật đầu, đông một câu tây một lời, những câu cảm tạ từ tận chân tâm liên tục phát ra.
Ta nhìn một vòng những gương mặt của đám người lưu dân đó, sự khổ hành hiện rõ giữa mi tâm bọn họ, đau khổ giày vò, nghèo đói bệnh tật, đột nhiên trong lòng ngực cảm thấy thật nặng nề.
Ta bỗng có một suy nghĩ và cảm giác rằng, vốn bọn họ không nên có bộ dạng như thế này.
Phải là cẩm y ngọc thực, có áo mặc trong mùa đông, có gạo ăn qua nạn đói, trẻ nhỏ thì khanh khách cười, lão nhân gác cuốc ra đồng cày cấy.
Thùy thái dương đột nhiên tê rần.

Ta đưa tay gõ gõ đầu của chính mình, cảm thấy bản thân càng lúc càng kì lạ.

Đám lưu dân này, với một quỷ hồn như ta thì có can hệ gì chứ?
Ta tốt nhất vẫn là lượn lờ nhiều chuyện thiên hạ, mua vui cho bản thân như thường ngày thôi.
Nghĩ vậy, ta lập tức mặc kệ bọn họ, quay mông lắc người bay vào bên trong tòa phủ gia trước mắt.
Ta lượn lờ một vòng quanh phủ, bay nhảy trên nóc nhà cao vời vợi, len lách vào những tiểu biệt viện khác nhau.

Ngói đỏ gạch xanh, hoa nở bốn mùa, hồ trong cá nhảy, đình viện lung linh.

Tất cả chẳng khác gì so với bộ dạng ngày thường ta thường lẻn vào thăm thú.
Kì lạ, nếu người đã tới, phải chăng cũng nên có nha hoàn nô tài chứ?
Vì cái quái gì ta lượn khắp nơi cũng không bắt gặp được một bóng hồng nha hoàn xinh tươi nào làm việc, ngay cả hạ nhân đốn củi cũng không có?
Chẳng lẽ cả một tòa phủ gia lớn như vậy, hạ nhân chỉ có đúng ba tên nam nhân ngoài kia cùng với một lão phụ nhân giàu sang phú quý?
Ta xoa xoa cằm, có chút đánh khinh mà đảo tròn con mắt suy nghĩ.
Ngay lúc ta định tự vả chính bản thân mình quá đen tối, trái với quy ước trong sạch như giọt sương của ta thì đột nhiên bên tai nhạy cảm nghe tới tiếng động nhỏ.
Âm thanh ho khàn liên tục, như đang cố kiềm nén truyền vào tai ta, đại não đột nhiên trở nên thật trống rỗng.
Miếng ngọc hoa hải đường treo bên hông, bàn tay ta vô thức xoa lên mặt ngọc.


Ta bước chân khẽ động, lập tức nhanh chóng tiến đến nơi phát ra âm thanh.
Xuyên qua đình viện, tới cánh rừng trúc.

Giữa khuôn viên xanh ngần ấy, có một tiểu viện nhỏ làm bằng gỗ, ngói đỏ lung linh dưới ánh nắng phát ra tia sáng dịu dàng.

Trước cửa viện, hai hàng hoa hải đường nhỏ nhắn nở đầy sắc màu, hương thơm nhàn nhạt bay theo gió vờn khắp nơi.
Có một cái bàn đá ở dưới mái hiên tiểu viện, ở đó xuất hiện một lão phụ nhân tuổi đã sớm chiều, tóc đầu bạc trắng, đuôi mắt đầy ứ nếp nhăn, vận đồ lụa cao quý màu xám nhạt như khói lửa đêm không trăng ấy.
Tà áo thêu những đóa hoa lựu nhỏ, ngay ngắn và tỉ mỉ, nhìn cầu kì biết bao.

Mái tóc trắng búi tròn xuyên ngọc bích, đôi tai như Phật đeo khuyên ngọc nhỏ tựa hạt đậu, trên cổ là chuỗi vòng màu xanh lam, đôi mày trắng trên dung nhan của lão phụ nhân khẽ nhăn lại, hạ mi mắt, khóe miệng nặng nhọc ho khan, tay phải tự vỗ về lồng ngực.
Bàn tay còn lại cầm dở mảnh khăn tay đang thêu, trên mảnh vải màu đỏ ấy, điểm một nụ hoa trắng ngần.
Đấy là lúc ta diện kiến lão phụ nhân sống tại tòa phủ gia lớn ở phía đông Cẩm Thành.