Thủy Thời đã trải qua quá nhiều chuyện chỉ trong vỏn vẹn một đêm khiến giờ đây, cơ thể rã rời kéo cậu vào giấc ngủ mê man trên giường đất.
Sáng sớm hôm sau cậu tỉnh dậy vì đau đớn.
Hôm qua tinh thần cậu luôn ở trạng thái căng như dây đàn, cũng bởi một mực lo nghĩ cho Phù Ly nên Thủy Thời chưa cảm nhận được cơn đau.

Nay sau đêm đánh giấc, Thủy Thời thấy lưng, vai và ngực mình có cảm giác giãn căng và bỏng rát.

Vén áo lên nhìn thì hóa ra vị trí bị dây thừng ma sát đã hơi nhiễm trùng, đỏ ửng, sưng tấy.
Lia tầm mắt xuống, cậu thấy tay mình cũng rách da, đầu ngón tay bị gai đâm chi chít; hai chân cậu nhức nhối, cặp mắt sưng vù, toàn thân không có chỗ nào lành lặn.
Chẳng qua nhìn Phù Ly thở đều đặn trên giường là tâm trạng Thủy Thời lại trở nên vui vẻ.

Cậu thấy những gì mình bỏ ra là đáng giá.

Ngồi bên mép giường, Thủy Thời vừa xuýt xoa vì xót vừa cắn răng rút gai ghim vào ngón tay, xong xuôi cậu sung sướng xuống giường nấu cơm với đôi bàn tay còn run rẩy.
Học theo cách nhóm bếp của ông Trịnh, cậu quẹt dao đánh lửa lên cỏ khô rồi ra sân ôm một bó củi vào.
Nghĩ lại Thủy Thời vẫn vô cùng áy náy.

Nguyên cớ là vì từ lúc cậu ở một mình, Đông Sinh vẫn thường hăng hái đến giúp cậu chẻ củi và đun nước sau mỗi lần săn thú ở Tây Sơn trở về.

Giờ cậu đã vượt qua khoảng thời gian khốn khó nhất nên cũng phải cảm tạ người ta cho thật tử tế.
Mở cửa hầm ngầm, cậu lấy ra ít khoai tây, cải thảo và tất cả số mỡ cừu – đây là phần lương thực mà ông Trịnh cố tình để lại cho cậu.

Trái ngược với cái bụng không chút mỡ thừa của dân quê, con cừu lần này cực kỳ béo tốt với cả một lớp mỡ dày lộ ra sau khi mổ bụng.

Toàn bộ số mỡ ấy đều được ông Trịnh treo trong vựa thóc trống không của Thủy Thời.
Thủy Thời cắt nhỏ mỡ cừu rồi đem rán lên bằng nồi sắt, chẳng bao lâu sau, một nồi mỡ động vật cỡ lớn cùng không ít tóp mỡ đã ra lò kéo theo mùi thơm nức mũi.
Thủy Thời chắt hơn nửa nồi mỡ ra riêng, chờ cho đông đặc lại, định bụng lát nữa sẽ mang đến nhà ông Trịnh.

Chú Trịnh và anh cả nhà chú đều sinh sống bằng nghề thợ mộc, một nghề vốn đòi hỏi tiêu hao thể lực mỗi ngày nên rất cần thức ăn nhiều năng lượng.

Tiếp theo, Thủy Thời xào khoai tây thái lát với mỡ cừu, rắc thêm ít muối là món ăn đã dậy mùi thơm nức.

Đoạn cậu lại nhanh nhẹn lấy ra một chiếc nồi sứ nhỏ để ninh cháo thịt cho Phù Ly.

Vừa đứng trông nồi Thủy Thời vừa thầm nhủ, Phù Ly có ăn cháo không nhỉ? Mình mới chỉ từng thấy anh ấy ăn thịt sống đầm đìa máu tươi thôi.
Sau đó cậu khẽ khàng bưng chiếc bát con vào nhà, ngồi xổm dưới đất thổi cháo và bón cho Phù Ly từng thìa một.

Hình như Phù Ly đã có thể tự nuốt cháo, điều ấy làm Thủy Thời yên tâm, cậu nhẹ nhàng lau miệng cho người đàn ông trên giường rồi nhanh chân xuống núi.

Vừa khéo, Trịnh Thừa An – vốn ngồi xe bò cả đêm để kịp về nhà – trông thấy và gọi giật Thủy Thời lại, "Thủy ca nhi! Mau đến đây, anh lấy thuốc cho em này, ba bát nước cho một thang thuốc, đi sắc cho ân nhân em uống nhé!"
Thủy Thời vội chạy lại gần, trước tiên là đặt chậu mỡ đông cùng tóp mỡ vào tay anh, kế tiếp nhận lấy thuốc và hấp tấp về nhà bởi nôn nóng muốn đun thuốc cho Phù Ly uống.

Chạy được nửa chừng cậu mới sực nhớ ra lời mình định chuyển, "Anh tư cảm ơn tiên sinh giúp em nhé ạ! Em cũng rất cảm ơn anh.

Với có nồi mỡ cừu đấy em còn nhiều lắm, chia cho nhà anh ăn bớt đó."
Dứt lời lại chạy thục mạng về nhà, chẳng qua đến cổng rồi mà còn cố quay đầu nói vọng xuống, "Không được trả em đâu! Không là em đổ đi đấy!"
Trịnh Thừa An mới chớp mắt cái đã bị Thủy Thời dàn xếp xong xuôi.

Anh chỉ biết đứng ôm chậu mỡ và ngơ ngác nhìn theo bóng cậu em nôn nóng về nhà sắc thuốc.
Bà Trịnh nghe giọng Thủy Thời cũng mở cửa ra ngoài.

Thấy thằng út thân mặc trường sam nhưng tay ôm nồi mỡ trên xe bò, bà lập tức đỡ cái nồi hộ con và trách Thủy Thời cứ tặng đồ mãi, "Cái đứa cá nhi này hay thật đấy! Còn bảo đổ, xem xem thằng bé dám không nào."
Thừa An cũng cười, "Tính ra em ấy khác hẳn ngày bé mẹ nhỉ, hoạt bát hơn nhiều!"
Bà Trịnh vào nhà cùng con trai, thở dài, "Ầy, là do khổ quá đấy, không biết thằng cậu nó đối xử với nó thế nào nữa."
Thừa An cũng biết chuyện cha và các chú các bác đến thôn Viễn Sơn đòi trả người.

Tuy thôn Nhiệt Hà bọn họ hành xử không sai nhưng ai dám đảm bảo thôn kia không móc nối quan hệ với người trên thị trấn để gây rắc rối cho thôn mình đâu chứ.

Vậy nên anh vẫn luôn nghe ngóng vấn đề này, chẳng qua không để lộ ra ngoài mà hay nói lảng đi vì sợ mẹ âu lo.
"Con đang định đưa tiền bán da thú lại cho Thủy ca nhi, với cả ít thuốc ngoài da mà sư huynh kê cho em ấy nữa.

Nào nhờ thằng nhóc này chỉ biết lấy mỗi thuốc cho ân nhân rồi chạy biến, đúng là bộp chà bộp chộp."
Ông Trịnh toan đứng dậy đi làm thì nghe thằng út tỏ vẻ ông cụ non chê ca nhi nhà người ta bộp chộp.

Thế là ông vừa cài áo da vừa mắng lại, "Còn nói người ta, mày cũng chẳng lớn hơn Thủy ca nhi được mấy tuổi.

Bớt làm mấy cái việc vớ vẩn rồi mau đưa đồ cho em nó đi chứ."
Chị dâu cả đang dọn dẹp bát đũa che miệng cười, "Ai bảo chú nói xấu Thủy ca nhi, đấy là cục cưng của cha đấy.

Ăn mắng ngay kìa chú thấy chưa!"
Ông Trịnh phủi phủi bụi trên người, "Tôi là tôi bênh người nào đúng.

Mấy đứa đừng thấy Thủy ca nhi trẻ tuổi mà xem nhẹ, thằng bé sống có tình, có nghĩa, có chính kiến, sau này cũng có danh có vọng giống anh Lâm cho mà xem.

Nếu không phải vì nó sinh ra là ca nhi thì mấy đứa không đuổi kịp nó đâu!"
Thừa An vội tiếp lời, "Cha nói đúng." Đoạn quay đầu cười nói với chị dâu, "Chị dâu xem này, Tiểu Thủy Nhi đem cho nhà mình một chậu mỡ, bảo nhà mình mà không ăn là em ấy đổ hết đấy."

Chị dâu cả vội vàng phủi tay và đến đỡ chậu mỡ với vẻ trân trọng.

Thật lòng thì cả năm qua nhà họ đều không được ăn món mặn như dầu mỡ, mùa đông vốn khắc nghiệt, có cải thảo cà rốt để ăn là họ đã cảm ơn trời đất lắm rồi.
Chị nhìn ông Trịnh, thấy cha chồng khoát tay, chị liền vui vẻ bưng chậu vào bếp.

Vậy là mai nấu ăn chị có thể nhỏ thêm mấy giọt dầu vào cho đám trẻ con khỏe mạnh chóng lớn.

Nghĩ đến đây chị lại thầm biết ơn lòng tốt của Thủy Thời.
Ngay sau đó chị quay sang phía Hoàn ca nhi ngồi ăn cơm thừa trong xó bếp, lòng vừa xót xa thay cho thân phận nam thiếp bèo nổi mây trôi, vừa không tránh khỏi nỗi ghen tuông mà phụ nữ xưa thường hay có.
Đứng nhìn một lát, chị im lặng múc một thìa tóp mỡ thơm lừng vào bát Hoàn ca nhi rồi xoay người đi rửa bát...
Thủy Thời không biết mình đã trở thành "con nhà người ta" trong mắt gia đình ông Trịnh, cậu chỉ xăm xăm về nhà.

Lúc đang ra sức quạt lửa thì cậu thấy Trịnh Thừa An đi tới, anh vào phòng bếp nơi có Thủy Thời đun nước, đặt hết đống đồ lỉnh kỉnh trong tay xuống rồi vu.ốt ve cái bờm của Bé Ngựa Đen.
"Ái chà, sao lại cảm giác mày cao lên rồi nhỉ?"
Ngựa Con hí một tiếng rõ vang và sung sướng ăn bột đậu cùng cỏ non tươi mới.
"Anh tư đến có chuyện gì thế ạ?" Thủy Thời hỏi chuyện mà tay chân vẫn thoăn thoắt.
Thừa An nhìn cái tay cầm quạt hơi sưng lên của cậu, "Sư huynh đưa anh mang ít thuốc bôi ngoài da đến cho em, bảo là em bị thương."
Cặp mắt mới bớt sưng chưa được bao lâu của Thủy Thời mở lớn, "A? Vậy mà tiên sinh cũng nhìn ra được ạ?"
"Dĩ nhiên rồi.

Sư huynh giỏi lắm, vọng văn vấn thiết* đều thạo cả.

Em đi bôi thuốc đi, anh trông nồi cho." Nói đoạn anh tiếp chiếc quạt trong tay Thủy Thời.
(*Nhìn, nghe, hỏi, sờ trong Đông y)
Nãy giờ hùng hục thổi lửa làm Thủy Thời đổ mồ hôi, vải áo lại dính vào da khiến vết thương càng thêm đau nhói.

Nay có người hỗ trợ, cậu lập tức về phòng chính ngay không chần chừ rồi ngồi xuống mép giường toan cởi áo.
Thừa An liếc thấy, vội vàng lên tíếng, "Từ từ đã, em cởi áo làm gì?!"
Thủy Thời ngẩng đầu một cách khó hiểu, "Thì để em bôi thuốc mà.

Anh định bôi giúp em hở? Không cần đâu, em với được ra sau lưng, anh trông nồi hộ em là được!"
Tuy tuổi không lớn lắm nhưng Thừa An được học hành, hiểu lễ nghĩa, nghe cậu em nói thế thì tay cầm quạt cũng phát run, không biết là do thẹn thùng hay tức giận, "Em em em!"
"Em em gì mà em em!" Thủy Thời thầm nhủ cái tên nhóc này còn chẳng lớn tuổi bằng mình mà sao đã rườm rà nhiều chuyện vậy không biết.
"Em là ca nhi mà chưa đóng cửa đã dám c.ởi đồ rồi!" Thấy Thủy Thời ngó lơ mình, Thừa An hùng hổ tiến lên đóng sầm cánh cửa gỗ thông giữa phòng chính và phòng bên.
Thủy Thời trên giường chép miệng, cố dặn nốt một câu, "Anh nhớ để ý thuốc nhé!" Thừa An cáu bẳn, chẳng buồn đáp cậu câu nào.

Lúc thoa thuốc xong xuôi, Thủy Thời cảm giác phần da bị sưng mát lạnh, đỡ đau và cử động thoải mái hơn nên cậu lại đi xem nồi thuốc.

Thừa An nhìn Thủy Nhi mà thở dài thườn thượt, anh thấy như thể cha mẹ lại sinh cho anh thêm một cậu em trai vậy ấy.

Đã chiếm mất sự cưng chiều thì chớ lại còn rõ đáng yêu!
Anh vỗ quạt lên đầu Thủy Thời rồi móc một túi bạc từ ngực áo, "Ba tấm da anh liên hệ được với người quen, bán được tám lạng bạc, xếp gọn gàng cho em rồi đây.

Tiêu dè sẻn tí là đủ cho em qua đông rồi!"
Thủy Thời đến thế giới này ngần ấy thời gian mà đây là lần đầu tiên trông thấy bạc! Bạc được nung chảy ra làm nhiều miếng nhỏ, xem ra khi dùng sẽ cần đến cân.
Thừa An nhìn bộ dạng hớn hở của cậu mà đâm nghi những lời sáng nay cha vừa nói, này thì có danh có vọng! Là thế này hả? Xem kìa, còn chảy cả nước mũi!
Anh lắc lắc đầu rồi đi thẳng về nhà.
Thủy Thời lo liệu cho Phù Ly xong xuôi là đi nhóm củi dưới giường.

Cậu không chèn nhiều củi vì sợ nhỡ nóng quá, Phù Ly bị thương ở lưng nên không trở mình được thì sẽ khó chịu.
Một ngày chớp mắt đã trôi qua.

Sau khi hoàn thành tất cả các việc quan trọng cần làm, Thủy Thời lại lấy số trứng chim trong chiếc sọt để ở đuôi giường ra ngắm nghía, mỗi tội ngắm hồi lâu vẫn chỉ thấy ngoại trừ hoa văn xinh đẹp thì không có gì khác lạ.

Thế là cậu lại ngồi xoắn lông.

Chất liệu vải vóc ở đây không tốt, vừa lọt gió vừa cứng đơ đơ.

Cậu hơi nhớ nhung chiếc áo len ấm áp, mềm mại và ôm sát người của thời hiện đại.
Nghĩ đoạn cậu liếc nhìn số lông sói được xếp gọn gàng trong sọt, chúng vừa mịn vừa dài.

Thấm thoắt sắc trời đã tối, Thủy Thời đốt đèn dầu để tiếp tục công việc của mình trong yên lặng.

Chốc chốc cậu lại ngó trộm Phù Ly, sau đó cậu lấy chiếc áo len cỡ lớn đã đan xong lần trước ra ướm thử lên người hắn.

Thoạt trông cũng ổn áp đấy mà không biết có mặc vừa không.
Nếu bị chật thì chiếc áo sẽ làm lộ ra từng khối cơ bắp trên người anh ấy mất.

Thủy Thời đã cố tình đan cổ áo trễ để hạn chế gây ảnh hưởng cho hoạt động săn bắt của Phù Ly.

Nghĩ đến đây, Thủy Thời nhoẻn miệng cười vui vẻ.
Đêm hạ màn, đèn dầu đã cạn, ánh lửa le lói rồi tắt ngấm.
Thủy Thời hà hơi lên tay, sẵn sàng chui vào náu mình trong chiếc chăn dày.

Hôm nay đốt lửa nhỏ nên phòng hơi lạnh chút.
Đúng lúc này, tiếng gõ cửa quen thuộc vang lên bên ngoài.

Thủy Thời ngồi bật dậy và mở cửa xem sao, Bé Ngựa Đen cũng vung vẩy cái đuôi đi theo sau Thủy Thời, còn ló cái mặt đen sì nhìn ra ngoài cùng nữa.
Hóa ra là mấy chú sói trắng to lớn mới ghé đến từ tận Đông Sơn.


Chúng vẫn hơi th.ở dốc – dấu hiệu cho một đường chạy siêu tốc vừa diễn ra.

Chúng tha theo một con hươu mập bất thường với ý định tặng nó cho thủ lĩnh Phù Ly ăn dưỡng bệnh, hệt như cách chúng chăm sóc Vua Sói khi xưa.
Nương theo ánh trăng, Thủy Thời dáo dác nhìn quanh, thấy thôn làng vẫn yên tĩnh thì mới an lòng.

Sau đó cậu ra hiệu cho chúng sói mang hươu về, "Đem về đi, tao nhận tấm lòng thôi! Chứ con hươu này tao không bàn giao cho Phù Ly được."
Con cừu argali đã bảo là rơi từ sườn núi xuống, con hươu này cũng rơi từ núi, rồi mai sau tặng bò rừng thì chẳng lẽ cậu cũng nói là rơi trên sườn núi xuống nốt à? Thế rốt cuộc sườn núi là cái chốn huyền diệu gì cơ chứ!
Cánh rừng quèn sau lưng nhà cậu thì thợ săn Trịnh lại chẳng quen thuộc quá, đến gà còn không có lấy một con.

Nếu nhận quà của bầy sói mà bị người ngoài phát hiện thì chắc chắn không hay.
Những chuyện bất thường kiểu này ắt phải có điềm.
Huống hồ bản thân Thủy Thời không thiếu cái ăn, Phù Ly cũng chưa tỉnh nên không nhai được thịt sống.
Bầy sói dù không hiểu lời Thủy Thời nhưng vẫn cảm nhận được cảm xúc của cậu.

Vậy là hai-chân không thích hươu, chúng đưa mắt nhìn nhau rồi tha hươu đi mất.
Yên lòng, Thủy Thời quay về phòng ngủ.

Mỗi tội chưa được bao lâu mà sói đã đến gõ cửa lần thứ hai! Thủy Thời ra xem, sói đã đổi quà, giờ chúng ngoạm một con dê ở vùng núi lân cận, trông hơi gầy.
Thủy Thời vội lắc đầu từ chối và bảo chúng về núi mau mau! Sói cảm nhận được sự khước từ của cậu nên lại rời đi tiếp.
Chỉ chốc lát sau, sói lại gõ cửa, lần này là một con chim lớn tươi ngon.

Thủy Thời thở dài bất đắc dĩ, mình nhận là thể nào mai sói trắng cũng đến nữa cho xem, nhỡ bị người dân xung quanh phát hiện rồi săn bắt chúng thì sao đây chứ!
Cậu không lo cho sói, cậu lo hộ người dân...
Và thế là đêm nay, các thành viên sói trắng với thái độ nhiệt tình và năng lực hành động siêu phàm đã tha hết con mồi này đến con mồi khác tới.

Nào là hoẵng, nào là chim trĩ, nào là chuột đồng...!song đều bị Thủy Thời từ chối.
Bối rối, sói trắng dựa theo đặc tính "ăn cỏ" của Thủy Thời để lôi cả một nhánh cây to đùng đến.

Thủy Thời đờ đẫn lắc đầu, Bé Ngựa Đen toan tha mấy cái lá cây về thì lại bị sói trắng dọa cho lùi bước.
Sau khi từ chối nhánh cây, Thủy Thời rốt cuộc được để yên, bên ngoài im ắng trong một khoảng thời gian dài.

Có điều ngay lúc cậu mơ màng chìm vào giấc ngủ, tiếng gõ cửa lại vang lên lần nữa.

Thủy Thời hít một hơi sâu, nghiến răng ra mở cửa, bụng bảo dạ phải khuyên nhủ bầy "sói tử tế" vừa cần cù vừa cố chấp này một phen mới được.
Để rồi cậu sững sờ.

Chỉ thấy dưới ánh trăng vằng vặc, con sói dẫn đầu bầy sói trắng đang tha một nhóc sói con mà Thủy Thời vô cùng quen mắt! Cặp mắt xanh phát sáng của con sói lớn cũng hắt ra suy nghĩ rõ ràng của nó:
Cái này thì được rồi chứ hả, nhận hay không nhận đây nào!
______
Tác giả có lời:
Sói tặng đồ: Loài người ấy à, chậc chậc, đúng là đồ yêu sách..