Dạ Cô Tinh nằm trên chiếc giường xa lạ, đưa mắt nhìn căn phòng không hề thân quen. Cô nghĩ sau này cũng sẽ dần quen thôi.

Dù sao, khi chính thức gia nhập đoàn phim, nếu công việc kết thúc quá muộn cũng không tránh được phải ở lại đây tạm thời.

Bóng đêm bao trùm ngoài cửa sổ, ánh trăng tỏa sáng, gió đêm luồn qua khe cửa sổ nhẹ nhàng vén ra một góc rèm.

Rạng sáng bốn giờ, đèn đuốc mọi nhà đều tắt hết, đây là lúc mọi người đều chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng từ sau khi Dạ Cô Tinh trọng sinh, thì đây là lần đầu tiên cô mất ngủ.

Lúc này, cả người cô đều ở trong trạng thái vô lực, đây là di chứng sau một trận đánh ác liệt. Cơ thể này của Dạ Cô Tinh chưa từng trải qua huấn luyện, cảm giác chân tay bủn rủn giống như đã được phóng đại lên gấp mấy lần. Giác quan cũng đặc biệt rõ ràng hơn, do đó cảm giác đau đớn ở tứ chi mới càng thêm khó chịu.

Từ ngày cô trọng sinh đến nay đã được hai tháng, khoảng thời gian này cô đã lén quay về chung cư hai lần. Lần đầu là vì lấy viên kim cương xanh ở cửa thông gió bên ngoài phòng… viên “Wittelsbach”. Ở đó cô đã gặp Ada và hai người đàn ông khác, thậm chí bọn họ còn không nhận ra sự xuất hiện của cô. Mà cô lại vô cùng bình tĩnh chôn giấu một tai họa ngầm chết người lại cho ba người bọn họ.

Lần thứ hai, là đến vì La bàn Phương Ai. Một điếu thuốc ném vào phòng tắm gây ra một vụ nổ làm chết hai người đàn ông. Cuối cùng Ada bị cô đâm một dao xuyên tim, chết không nhắm mắt.

Cho dù là “Wittelsbach”, hay là La bàn Phương Ai đang nằm trên tay bây giờ, thì cũng đều là những đồ vật Diệp Tử rất quý trọng, xem như sinh mạng của mình. Và chúng cũng là nỗi vướng bận duy nhất của Dạ Cô Tinh vào lúc này.

Bởi vì, hai vật này đều được sư phụ tận tay truyền lại cho cô. Hơn nữa La bàn Phương Ai càng là vật tượng trương và chứng minh cho thân phận của tổ trưởng Dạ Tổ. Cho nên dù biết có nguy cơ bị lộ thân phận, nhưng Dạ Cô Tinh cũng nhất định phải lấy lại La bàn Phương Ai này.

Tất cả đều nằm trong tính toán của cô, ngoại trừ người đàn ông đó…

Dạ Cô Tinh giơ một cái la bàn nhỏ lên, cô nheo mắt cẩn thận quan sát. La bàn phát sáng dưới ánh trăng, lại như có thứ ánh sáng trắng đang âm thầm tỏa ra từ nó. Ở giữa la bàn có một ký hiệu sáp niêm phong chói mắt uốn lượn như ngọn lửa. Khi đầu ngón tay lướt qua nơi đó, có cảm giác nơi chạm đến cũng trở nên ấm áp hơn.

Trong nháy mắt nụ cười dịu dàng của sư phụ hiện lên trong trí nhớ. Trong cơn mê man, cô giống như lại lần nữa nghe thấy tiếng gọi mang thanh âm già nua nhưng lại vô cùng thân thiết…

“Diệp Tử, đến đây, đến chỗ thầy này…”

“Diệp Tử của thầy…”

Ông lão đó là sự ấm áp duy nhất trong thời thơ ấu của cô.

Diệp Tử giống như Dạ Cô Tinh, đều là trẻ mồ côi. Nhưng cô ấy may mắn hơn Dạ Cô Tinh, vì vào năm ba tuổi, cô đã gặp được sư phụ của mình, Dạ Cơ Sơn.

Đó là một ông lão với bộ râu trắng phất phơ trong gió, dáng vẻ gầy yếu. Nhưng hai mắt của ông này lại linh động khỏe mạnh, mang theo sự lạnh nhạt nhìn thấu mọi việc trên thế gian này, lại không khiến cho người khác cảm thấy xa cách.

Khi nhìn vào đôi mắt đó, ngoại trừ sự bình yên ra, mọi người sẽ không nhìn thấy bất kỳ điều nào khác.

Dạ Cô Tinh còn nhớ, đó là vào một buổi trưa, ánh nắng mặt trời rực rỡ. Bầu trời vừa trải qua một cơn mưa, từng hạt mưa tí tách rơi xuống mái hiên xiêu vẹo của cô nhi viện. Cô trốn trong một căn phòng nhỏ âm u, mặt không cảm xúc, yên lặng lắng nghe, giống như thời gian có thể kéo dài như vậy mãi. Từ nhỏ cô ấy đã không phải là một đứa bé thích cười. Cô chỉ biết rằng bạn bè trong cô nhi viện không muốn chơi với cô, viện trưởng cũng không thích cô.

Từ trước đến nay cô chỉ có một mình, thậm chí không ai sẵn lòng ở chung một phòng với cô. Cô đã từng muốn hòa vào trong đám đông, lần nào cũng tự nói với mình: mày phải cười lên! Nhếch miệng lên cười, sau đó nheo mắt lại, tốt lắm, mày cười lên rất đẹp.

Nhưng cuối cùng, sau khi nghe lén được cuộc nói chuyện ở bên ngoài phòng viện trưởng, thì cảm giác tràn đầy hi vọng cùng với những cố gắng trước đó, đều được chính tay cô chôn xuống tận đáy lòng......

“Viện tưởng, cô không thể hại tôi như vậy được!”

“Cô Lâm, cô đang nói gì vậy?”

“Tôi tin trong lòng cô biết rõ, tôi cũng không vòng vo nữa. Đứa bé Ninh Tương này, tôi thật sự không thể nhận nó được. Nếu cô để nó ở ký túc xá của chúng tôi, thì những đứa trẻ khác không biết còn náo loạn đến mức độ nào nữa. Cũng bởi khuôn mặt lạnh như tiền của nó đã dọa cho mấy đứa nhóc phải khóc lên. Thật sự không biết đứa bé này tuổi vẫn còn nhỏ, sao lại có suy nghĩ kín đáo như vậy. Cả ngày không lên tiếng, trong lòng còn không biết đang tính toán cái gì nữa!”

“Haizz! Những việc cô nói tôi đều biết, nhưng những hộ lý khác không đồng ý… Cô xem như đang làm chuyện tốt đi…”

“Viện trưởng, cô đừng nói nữa, chuyện tốt mà Lâm Cầm tôi làm không hề ít, cũng không thiếu gì một chuyện này, cho nên cô vẫn nên sắp xếp lại đi!”

“Đứa bé đó nhìn thì ngoan ngoãn, nhưng tính tình thì… Thôi bỏ đi, để cho nó ở một mình trước vậy…”

Ninh Tương?

Là tên của cô sao? Nhưng mọi người rõ ràng đều gọi cô là ‘quái nhân’ mà.

Thì ra, cô cũng có tên. Nhưng, cô không thích cái tên này.

Vẫn là “quái nhân” nghe hay hơn…

Có lẽ là do không tiếp tục ôm hi vọng nữa, hoặc là đã thản nhiên chấp nhận sự thật trước mắt, cô bé Ninh Tương không khóc không nháo, ngoan ngoãn một mình ở trong căn phòng nhỏ, yên lặng nhìn những đứa trẻ khác đang đùa giỡn đuổi bắt nhau bên ngoài cửa sổ. Bên tai vang lên từng trận tiếng cười giòn tan, còn cô thì lại yên tĩnh giống như một con búp bê sứ xinh đẹp. Trong mắt không có ghen tị, cũng không có oán giận, giống như không có gì cả.

Cho đến một ngày, cô đang ngồi ôm chân trên giường, nhìn ánh nắng mặt trời vào buổi trưa ấm áp mà không nóng bức, cảm nhận hơi thở tươi mát của bùn đất sau cơn mưa quấn quanh chóp mũi. Cô yên lặng lắng nghe tiếng tí tách của hạt mưa rơi xuống mái hiên. Ánh nắng tràn vào trong phòng, phủ lên người con búp bê nhỏ bé một tầng ánh sáng màu vàng rực rỡ.

Két…

Cửa gỗ đã vỡ được che đậy một nửa bị người khác đẩy ra, từ xa xuất hiện một bóng dáng giống như đang đạp lên ánh sáng đi đến khiến cô nhóc Ninh Tương vô thức híp mắt lại, đưa tay ngăn lại thứ ánh sáng chói mắt kia.

Đợi đến khi cô bé mở mắt ra lần nữa, nhìn thấy trước mắt là một bộ râu trắng. Cô hướng ánh mắt nhìn lên, thì trông thấy một ông lão đang mỉm cười hiền từ. Ông đứng ngược hướng với ánh sáng, khiến cho cô tự nhiên nảy sinh một loại cảm giác vô cùng gần gũi. Giống như chỉ cần dựa gần vào ông, là có thể ôm được mặt trời ấm áp.

“Cô bé, đồng ý đi theo thầy không?”

“Đi?” Đây là lần đầu tiên cô bé mở miệng nói chuyện: “Đi đâu ạ?”

“Bất kỳ nơi nào con muốn đi.” Ông lão mỉm cười mang mấy phần sâu sắc, lại ôn hòa dễ gần như cũ, mang đến cho cô cảm giác ông lão đang đứng trước mặt cô đây là một người vô cùng tốt.

Cô mỉm cười, một đám trẻ con nằm dài trên cửa lộ ra vẻ mặt ngạc nhiên không tin được: “Quái nhân” lại có thể cười sao?

“Dạ.” Cô nói.

Buổi trưa ngày hôm đó, ánh mặt trời tươi đẹp, sau cơn mưa trời lại sáng. Trong không khí tràn đầy hơi thở tươi mát của bùn đất. Dưới mái hiên, hạt mưa rơi tí tách không ngừng, đôi bàn tay già nua nắm lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn non nớt, họ cùng nhau đón lấy ánh nắng ấm áp nhất, dần dần đi xa.

....

“Con đang nhìn gì vậy?” Ninh Tương bé nhỏ đưa đầu ngón tay trắng nõn chỉ lên cây.

“Chim nhỏ sao?” Cô bé lắc đầu.

Ông lão vuốt râu: “Hay là ve sầu?”

Cô bé vẫn lắc đầu, cố giơ tay đón lấy một chiếc lá đỏ đang chao liệng rơi xuống: “Là cái này ạ.”

“Lá cây, đúng không?”

Cuối cùng bé con cũng cười gật đầu: “Thích lắm ạ.”

Ông lão cười hiền từ, gió thổi bộ râu bạc bay lên: “Con thích lá cây sao?”

Cô bé gật đầu thật mạnh.

“Vậy sau này thầy gọi con là Diệp Tử, được không?”

“Dạ được.”

Dưới cây, có một cô bé nhỏ đang đón lấy ánh nắng chiều, nở nụ cười rực rỡ.

...

“Sư phụ, đây là gì vậy?”

Ông lấy từ trong ngực ra một cái đĩa tròn nho nhỏ, nhẹ nhàng mỉm cười với cô nhóc xinh như búp bê hồng hào đang lộ ra ánh mắt tò mò. Trong mắt ông hiện lên mấy phần tưởng nhớ nhưng lẫn trong đó là sự buồn phiền.

“Cái này được gọi là La bàn Phương Ai, lại có bảy mươi hai Long Bàn, là Dương Công đã sáng tạo ra nó vào lúc cuối đời. Nhóc con, con còn nhớ Dương Công là ai không?”

“Dạ con biết. Dương Công, tự là Quân Tùng, hiệu là Cứu Bần, sinh vào năm 834, mất vào năm 904. Tư chất thông minh, ngộ tính rất mạnh. Ông bắt đầu nhận học trò dạy học, dùng hết tâm huyết giảng dạy hơn hai mươi năm, truyền thụ bí thuật phong thủy, làm việc tốt giúp người, cứu giúp người nghèo khổ…”

“Nhóc con, đủ rồi, đủ rồi! Sư phụ cũng đâu có phải đang dò bài con đâu…”